Muỗi đốt, rôm sảy, côn trùng cắn... là những rắc rối liên quan đến làn da của trẻ rất phổ biến vào mùa hè, mùa nắng nóng.
- Những thực phẩm quen thuộc khiến phụ nữ sau sinh mất sữa, sức khỏe trẻ sơ sinh giảm sút
- Trẻ sơ sinh hay vặn mình và giật mình chữa như thế nào?
Mùa hè được con là "kẻ thù số 1" với làn da mịn màng, mỏng manh của trẻ nhỏ. Dưới đây, bác sĩ người Nhật Katsuhiro Keiko, công tác tại một phòng khám gia đình ở Adachi-ku, Tokyo, sẽ chia sẻ kinh nghiệm để đối phó với những rắc rối về làn da trẻ trong những ngày hè nóng nực này.
Cháy nắng
Bác sĩ Keiko giải thích cháy nắng là làn da bị bỏng bởi ánh nắng mặt trời. Những tia cực tím chiếu vào làm làn da trở nên đỏ ửng, đau rát. Trong trường hợp xấu có thể xuất hiện những mụn nước sưng phồng.
Việc đi ra ngoài vào mùa hè quá lâu hay đến những nơi có ánh nắng gay gắt sẽ rất dễ dẫn đến bị cháy nắng. Với trẻ nhỏ, cách tốt nhất là tránh để làn da trẻ phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải đội mũ, che chắn cho trẻ khi đi ra ngoài. Ngoài ra, màu trắng sẽ ít phản xạ với tia cực tím hơn nên hãy chọn những bộ quần áo sáng màu cho trẻ. Từ 10h sáng đến 2h chiều là lúc ánh nắng có cường độ rất mạnh nên hạn chế đưa trẻ ra ngoài vào khoảng thời gian này.
Trong trường hợp trẻ bị cháy nắng, nếu vết cháy quá nặng, gây ra rộp nước và sốt trong vòng 24h phải đưa đi bệnh viện. Nếu nhẹ hơn, làn da bé chỉ bị nóng rát thì hãy dùng khăn lạnh đắp lên da trong vài giờ. Ngoài ra, khi bị cháy nắng, làn da sẽ bị khô, ngứa nên hãy giữ ẩm cho da trẻ.
Bị côn trùng cắn
Khi đưa trẻ ra ngoài, nhất là đến những nơi có nhiều côn trùng (thường là muỗi), nếu trẻ bị cắn phải kiểm soát không cho trẻ gãi, bởi càng gãi thì tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ, làn da bé càng dễ viêm nhiễm gây phồng, rộp nước, tạo mủ.
Để phòng tránh côn trùng đốt như muỗi đốt, cha mẹ hãy mặc áo quần dài tay cho bé hoặc sử dụng thuốc chống côn trùng loại an toàn với trẻ nhỏ.
Khi ở trong phòng hay ngoài vườn nơi có nhiều muỗi, cha mẹ hãy tìm những sản phẩm chống côn trùng có nguồn gốc thiên nhiên để xịt hoặc đặt trong phòng. Nên nhớ đặt những thứ này xa tầm tay trẻ nhỏ.
Trong trường hợp trẻ bị côn trùng cắn, cha mẹ cần nhanh chóng rửa vết cắn của trẻ ngay với nước sạch. Hãy đọc các chú ý khi sử dụng các loại thuốc thoa, bôi.
Vì trẻ em không thể kiểm soát được như người lớn nên đôi khi sẽ gãi rất nhiều làm cho các vết cắn ngứa ngáy, lan rộng ra, phồng rộp làm mủ. Trong trường hợp quá ngứa, tình hình da xấu đi thì hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Rôm sảy
Đặc trưng của rôm sảy ở trẻ là làn da bé sẽ bị nổi những mụn li ti kèm theo ngứa ngáy, khó chịu. Nếu như cào vào những vùng rôm sảy này sẽ tạo thành những mụn rộp đỏ, gây lở loét.
Bác sĩ Keiko gợi ý bố mẹ phải lau mồ hôi thường xuyên cho trẻ, mặc quần áo dễ thấm hút mồ hôi (chất liệu cotton) là những cách tốt để hạn chế tình trạng rôm sảy. Hơn nữa, nếu trẻ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của rôm sảy như ngứa thì hãy cắt móng tay cho trẻ sạch sẽ để dù có gãi thì cũng không bị nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, nếu trẻ đổ nhiều mồ hôi sau khi đi ra ngoài chơi thì nhất định phải tắm cho trẻ, thay đồ sạch hoặc dùng khăn lau mồ hôi đi để tránh gây viêm nhiễm.
Trong trường hợp trẻ bị rôm sảy nhiều, hãy cắt móng tay ngắn để hạn chế trẻ cào vào vùng bị rôm. Nếu đã cào xước, vi khuẩn xâm nhập vào gây sưng phồng, mẩn đỏ thì nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tình trạng nặng cần đưa trẻ đến bệnh viện.
Bị bỏng do những vật dụng vui chơi
Vào mùa hè, công viên là nơi được nhiều trẻ em yêu thích. Thế nhưng, những mối nguy hại không tưởng từ đây có thể đem lại rất nhiều rắc rối. Vốn dĩ trẽ em rất nghịch ngợm, việc chúng sờ mó, cầm nhặt những vật dụng hay chơi những trò chơi ngoài nắng thường ít được người lớn quan tâm kỹ.
Chẳng hạn như chiếc cầu trượt vốn được đặt ngoài nắng, khi phơi nắng lâu khiến toàn bề mặt rất dễ gây ra bỏng. Vì vậy, bố mẹ cần phải kiểm tra những đồ vật hay thiết bị trước khi để con chơi. Nếu chơi cầu trượt hãy mặc quần dài cho con để tránh ma xát với bề mặt nóng.
Trong trường hợp lỡ bị bỏng, hãy nhanh chóng làm lạnh nhanh vết thương. Cách tốt nhất là làm lạnh bằng đá nhưng nếu không có đá trong tay hãy làm lạnh bằng nước sạch.
Nếu da trẻ bị phồng rộp lên, hãy chắc chắn rằng không làm vỡ những bóng nước này vì nó gây ra nguy cơ nhiễm trùng rất cao.
Mụn nước
Khi cào vào các chỗ bị ngứa do bị côn trùng cắn hay các vết thương bị lở loét, vi khuẩn xâm nhập vào gây ra hiện tượng ngứa ngáy, làm nổi những cục mụn bọc nước, làm mủ bên trong.
Bác sĩ Keiko cho biết điều quan trọng khi bị mụn nước là phải giữ cơ thể sạch sẽ, rửa tay kỹ với xà phòng, cắt ngắn móng tay để tránh làm xước miệng vết thương. Những chỗ ngứa ngáy do côn trùng cắn thì càng phải rửa sạch sẽ. Đặc biệt phải chú ý đến tay của trẻ vì chúng rất hay vào trong mũi, điều này sẽ làm nguy cơ lây lan vùng bị nổi mụn nước.
Không giống như những căn bệnh khác, ngay khi thấy những dấu hiệu như vùng da bắt dầu chuyển sang ngứa, nổi nhiều mụn nước ti li hoặc đỏ ửng, làm mủ, cha mẹ phải nhanh chóng đưa trẻ đi bệnh viện chứ không được tự tiện bôi thuốc vào để tránh trường hợp nhiễm trùng và lan rộng.