Theo bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, mụn sữa ở trẻ sơ sinh còn có tên khác là nang kê hoặc hạt kê. Hiện tượng này không phải là hiếm, nhiều số liệu cho thấy có đến 20% trẻ sinh ra bị mụn sữa.
- Sự thật mọi cha mẹ nên biết: Hình ảnh ghi lại điều đáng sợ sẽ xảy ra nếu trẻ nuốt phải pin
- 4 loại cá gây hại não trẻ, dù có ngon đến mấy mẹ bầu cũng cần hãm lại để không nguy hại cho con
Biểu hiện của hiện tượng mụn sữa ở trẻ sơ sinh
- Mụn sữa có dạng sẩn 1-2 mm, màu trắng, li ti giống hạt gạo, thường ở mũi, cằm, má hoặc cơ quan sinh dục ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện ngay khi chào đời hoặc một vài tuần sau sanh. Mụn sữa thường tự biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng.
- Tùy theo cơ địa của từng đứa trẻ mà tình trạng mọc mụn sữa nhiều hoặc ít. Khi nổi nhiều có thể gặp ở cả vùng lưng, ngực và chân tay của bé. Mụn sữa sẽ nổi nhiều hơn khi khi trời nóng nực, da trẻ dơ, ẩm dính.
- Ở trẻ nhỏ nói chung và trẻ sơ sinh nói riêng, ngoài xuất hiện mụn sữa còn có cả mụn thịt, mụn rôm sảy, mụn mủ, ban đỏ nhiễm độc. Các mẹ có con nhỏ cần phân biệt với mụn sữa để tìm hướng chữa trị hiệu quả.
Nguyên nhân gây ra mụn sữa ở trẻ sơ sinh
- Trong thời kỳ mang thai, hormone của mẹ chuyển sang bé qua bánh nhau sẽ kích thích tuyến dầu của bé để phát triển khiến cho bã nhờn tăng lên làm bít kín các lỗ chân lông và gây ra mụn ở trẻ sơ sinh.
- Với nhiều trường hợp, trong thời kỳ mẹ mang thai có vấn đề về sức khỏe phải dùng đến thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ dẫn đến mụn sữa ở con trẻ.
Cách chữa mụn sữa ở trẻ sơ sinh
- Phần lớn mụn sữa ở trẻ sơ sinh sẽ tự biến mất sau vài tuần đến vài tháng nên các mẹ không cần phải dùng bất cứ phương pháp điều trị đặc biệt nào.
- Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ nổi mụn kéo dài kèm theo sưng đỏ, đau rát, ngứa ngáy, chảy dịch hoặc có mủ thì lúc này nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên môn để được khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý khi trẻ bị nổi mụn sữa
- Trong thời gian bé bị mụn sữa, mẹ cần lưu ý giữ vệ sinh cơ thể bé hằng ngày sạch và khô thoáng.
- Tắm cho bé bằng nước ấm hoặc sữa tắm chuyên dụng theo đúng lứa tuổi của bé. Tuyệt đối không sử dụng sữa tắm có bọt cho bé trong thời gian này vì rất có thể sẽ khiến da bé bị kích ứng gây mẩn đỏ, ngứa…
- Để tránh mồ hôi dính trên da bé khiến cho các đốm mụn sữa ngày càng nhiều thêm, mẹ cần cho bé mặc những bộ quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
- Cho bé bú sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh để giúp tăng hệ miễn dịch trong cơ thể.
- Tuyệt đối không được tự ý bôi bất kỳ loại kem hay thuốc nào lên các đốm mụn sữa của trẻ. Bởi trẻ có thể bị nặng thêm do ảnh hưởng của tác dụng phụ của thuốc.
- Tuyệt đối mẹ không dùng tay để chà xát lên mụn sữa để tránh làm mụn bị nhiễm trùng và ngày càng nặng hơn.