Viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ thường có biểu hiện chảy nước mũi, hắt hơi, tắc, ngứa mũi.
- Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng nhanh khỏi mẹ cần biết
- Cách chăm sóc khi trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, giúp bé nhanh khỏi
Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu nên rất dễ mắc phải các bệnh về đường Tai – Mũi - Họng như: viêm họng, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng, ho… khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa. Trong đó viêm mũi dị ứng là căn bệnh thường gặp ở trẻ em gây nên những triệu chứng khó chịu cho trẻ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển về sau của bé.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: “Viêm mũi dị ứng được xếp vào các bệnh dị ứng của đường hô hấp hay gặp cả trẻ em và người lớn. Đối với trẻ em thường gặp từ 2 tuổi trở lên. Đây là bệnh có thể gặp quanh năm hoặc theo mùa”.
Dưới đây Bác sĩ Dũng sẽ nói rõ hơn về bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ và cách chăm sóc:
1. Biểu hiện của viêm mũi dị ứng ở trẻ
Viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ là một bệnh miễn dịch do các dị nguyên ngoại lai gây ra và con đường xâm nhập chủ yếu là niêm mạc mũi.
Biểu hiện của bệnh là chảy nước mũi, hắt hơi, tắc, ngứa mũi. Đây là 4 triệu chứng quan trọng nhất của viêm mũi dị ứng hay gặp vào mùa đông xuân khi hít phải các dị nguyên: khói bụi, phấn hoa, lông chó lông mèo, khói thuốc, gián, khói xăng xe hoặc mùi khó chịu.
2. Nguyên nhân của viêm mũi dị ứng
Nguyên nhân chính của viêm mũi dị ứng trẻ nhỏ và người lớn là do tiếp xúc các dị nguyên gây dị ứng: Trẻ thường rất hiếu động nên nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như lông chó mèo, phấn hoa, bụi bẩn, bào tử nấm… là rất cao dễ gây nên tình trạng viêm mũi dị ứng.
Thời tiết thay đổi thất thường từ nóng sang lạnh làm cơ địa trẻ chưa kịp thích nghi cũng có nguy cơ làm tăng sự xuất hiện viêm mũi dị ứng.
Ngoài ra, mắc các bệnh về đường hô hấp: Một số bệnh viêm ở đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản… cũng gây kích thích niêm mạc mũi, dễ hình thành nên bệnh viêm mũi dị ứng.
Bên cạnh đó, những chất lạ trong thực phẩm: trứng, sữa, các loại hải sản (tôm, cua, sứa...) đều có thể gây ra dị ứng cho biểu hiện ở đường thở, điển hình là viêm mũi dị ứng.
3. Ảnh hưởng của viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ
Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng sẽ thường xuyên chảy nước mũi, hắt hơi, ho liên tục dẫn đến ảnh hưởng vui chơi, chạy nhảy thể dục, đặc biệt ảnh hưởng tới học tập làm trẻ có thể không tập trung, phải luôn mở miệng ra thở, khó chịu, không ngủ được, hay thức giấc về đêm.
4. Phân biệt triệu chứng viêm mũi dị ứng, cảm cúm và hen phế quản
- Viêm mũi dị ứng với các biểu hiện như chảy nước mũi, hắt hơi, tắc, ngứa mũi.
- Cúm thường có sốt kèm theo cùng với đau đầu, cơ, xương, mình mẩy và ho nhiều.
- Hen phế quản cấu trúc và nguyên nhân gây bệnh giống bệnh viêm mũi dị ứng.
Tuy nhiên, hen là ở phổi phế quản làm trẻ khó thở nhẹ từ đêm đến gần sáng, khó thở có tiếng cò cừ, khó thở có thể thức đêm dậy, khó thở có thể thiếu oxy phải cấp cứu. Hen nặng hơn viêm mũi dị ứng, có thể nguy hiểm tính mạng.
5. Điều trị
Viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ có phác đồ điều trị chung, thuốc nhỏ mũi, thuốc xịt điều trị tại chỗ hay chống viêm, thuốc uống toàn thân theo chỉ định bác sĩ.
Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng, cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho con nếu con chảy nước mũi nhiều quá. Nếu con không chảy nước mũi hay mũi sạch không nên rửa bởi rửa nhiều có thể gây chấn thương, chảy máu.
Để điều trị viêm mũi dị ứng, việc sử dụng thuốc thôi vẫn chưa đủ, cần phải tránh các yếu tố kích thích như chó, mèo, chim, khói thuốc lá, phấn hoa, nước xịt phòng, các hóa chất, đun bếp than trong nhà, nấm mốc, những nơi làm việc như nhà máy dệt…
6. Những lưu ý cần thiết
- Cha mẹ cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt khu vực vùng cổ, ngực và mũi, không nên tắm nước lạnh.
- Tránh các dị nguyên bằng cách giữ nhà khô sạch, thoáng khí, hút bụi thường xuyên, không nuôi chó mèo, diệt chuột, gián...
- Tránh dùng thuốc xịt muỗi hay nước xả quần áo có thể gây viêm mũi dị ứng nặng hơn.
- Tránh hít phải luồng không khí lạnh, khô một cách đột ngột, hoặc để mũi tiếp xúc với luồng gió máy lạnh, điều hòa đều có thể làm tổn thương, làm khô niêm mạc mũi xoang.
- Bảo vệ mũi khỏi các tác nhân gây dị ứng và không khí ô nhiễm bằng cách bịt khẩu trang khi đi đường độc hại, nhiều khói bụi.
- Vệ sinh tai, mũi, họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý.
- Khi có các dấu hiệu của bệnh tai, mũi, họng, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị đúng bệnh, phòng ngừa biến chứng xảy ra.
- Viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ xảy ra thường xuyên, phụ huynh cần đưa đến khám ở bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng.