Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng… Vì vậy khi thấy trẻ có 1 trong 8 dấu hiệu dưới đây cha mẹ cần đưa con đến viện ngay.
- Chuyên gia cảnh báo: Trào lưu hút thuốc điện tử gây ra hậu quả khôn lường với trẻ vị thành niên
- Bức thư dự thi UPU "lấy nước mắt" cộng đồng của bé gái 10 tuổi
Cúm mùa đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành, số mắc mới gia tăng nhiều nhất vào thời điểm giao mùa. Hàng năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000 - 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm nhưng có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa.
Cúm mùa có triệu chứng gì?
Các triệu chứng thường gặp khi mắc cúm mùa bao gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức.
Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1-2 tuần, tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
8 dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp của bệnh cúm mùa ở trẻ em
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, khi thấy con có một trong 8 dấu hiệu dưới đây cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
- Trẻ thở nhanh hoặc khó thở
- Môi hoặc mặt hơi xanh
- Tức ngực, đau cơ dữ dội (trẻ không chịu đi)
- Mất nước (trẻ không tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không có nước mắt khi khóc)
- Không tỉnh táo hoặc không tương tác khi tỉnh táo
- Sốt hoặc ho có cải thiện nhưng sau đó sốt, ho trở lại hoặc trầm trọng hơn
- Trẻ co giật, sốt trên 40 độ C
- Trẻ em dưới 12 tuần bị sốt
Cách chăm sóc trẻ bị cúm mùa
Hạ sốt cho trẻ
- Nới rộng quần áo cho trẻ, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.
- Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4 - 6 giờ uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt trên 38,5 độ C.
Vệ sinh đường hô hấp
- Vệ sinh mũi miệng: Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn).
- Nhỏ dung dịch nước muối sinh lý vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.
- Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Dinh dưỡng
- Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước.
- Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ
Phòng bệnh cúm mùa cho trẻ
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
- Tiêm vắc-xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Trẻ từ 6 tháng trở lên có thể tiêm phòng cúm mùa mũi đầu tiên, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi định kỳ hàng năm do chủng cúm mùa thay đổi theo từng năm.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
- Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.