Chăm sóc trẻ sơ sinh không phải là điều đơn giản, vì vậy mẹ cần trang bị kiến thức đầy đủ và cần thiết để nắm rõ tình hình sức khỏe của bé.
- Mẹ nên cho trẻ ăn trứng gà như thế nào là hợp lý và đúng cách?
- Mẹ không rõ nguyên nhân trẻ quấy khóc, hãy nghe lời giải thích của bác sĩ chuyên khoa
Con khỏe mạnh, thông minh là điều mong muốn của tất cả các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, trẻ nhỏ không thể diễn đạt tình trạng sức khỏe bằng lời nói. Mẹ cần đặc biệt chú ý những dấu hiệu, triệu chứng bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời tránh các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
1. Chiều cao, cân nặng thay đổi bất thường
Chiều cao, cân nặng là yếu tố quan trọng nhất để nhận biết trẻ nhỏ có khỏe mạnh, phát triển bình thường hay không. Nếu trẻ có dấu hiệu biếng ăn, cân nặng chững lại và sút cân mẹ nên đặc biệt chú ý vì rất có thể bé bị suy dinh dưỡng hoặc gặp vấn đề về tiêu hóa.
Cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh lúc mới sinh trung bình khoảng 3kg, cao khoảng 50cm. Mẹ có thể kiểm soát cân nặng và chiều cao của bé bằng cách theo dõi quá trình tăng trưởng của bé như sau:
Về cân nặng: 3 tháng sau sinh trẻ tăng 1-2kg/tháng; 3 tháng tiếp theo tăng 500-600g/tháng; 6 tháng tiếp theo chỉ tăng 300-400g/tháng.
Về chiều cao: Trong 3 tháng đầu trẻ tăng 3cm/tháng; 4-6 tháng sau tăng 2-2,5cm/tháng; 7-9 tháng tăng 2cm/tháng; 10-12 tháng tăng 1-1,5cm/tháng.
2. Vấn đề về răng
6 tháng đến 2,5 tuổi là thời điểm quan trọng để răng mọc và phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn này bé thường gặp tình trạng sún hoặc sâu răng. Mẹ có thể thấy dấu hiệu răng bị ố đen và dần bị cụt đi bởi cơ thể bé không được nạp đầy đủ chất dinh dưỡng, lại bị vi khuẩn xâm nhập.
Mẹ cần tăng cường cho trẻ ăn thức ăn giàu protein, canxi, phốtpho, vitamin D…, hạn chế cho bé ăn các loại bánh kẹo nước ngọt để giúp răng phát triển vững chắc. Ngoài ra cũng nên cho bé ăn các loại thực phẩm như tôm, cua, sò… vì chúng chứa nhiều vi lượng fluor tốt cho việc bảo vệ răng.
3. Miệng có mùi hôi
Tình trạng hôi miệng ở trẻ nhỏ là tương đối hiếm, xuất hiện ở bé tuổi tập đi vì khi đó, nhiều loại thức ăn gây nên vi khuẩn trong miệng và tạo nên mùi hôi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hôi miệng; do bé vệ sinh răng miệng không đúng cách, hoặc bé bị bệnh tai mũi họng hoặc đường tiêu hóa, bệnh dạ dày…
4. Môi nhợt nhạt hoặc tím tái
Nếu bạn thấy môi trẻ chuyển từ màu đỏ hồng sang tím tái và trong lưỡi có chất nhầy xuất hiện thì đó là biểu hiện của tình trạng trẻ bị thiếu oxi. Tình huống này rất nhiều bố mẹ chủ quan và suy nghĩ đơn giản nên dễ dẫn đến những tình huống nguy hiểm.
5. Trẻ hay giật mình, hoảng sợ
Trẻ thường xuyên mệt mỏi, thờ ơ không nói chuyện đôi khi lại giật mình quấy khóc có thể gặp vấn đề về rối loạn tâm lý. Khi phát hiện con có các dấu hiệu trên tốt nhất bố mẹ cần đưa con đi khám để có được sự tư vấn và xử lý kịp thời của các bác sĩ và những người có chuyên môn.
6. Vệt trắng trên móng tay
Bé có thể bị thiếu hụt chất đạm, hoặc nguyên tố kẽm, vitamin B12, hoặc chất béo omega-3 DHA/EPA nếu trên móng tay xuất hiện các vệt trắng. Mẹ nên thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày của bé, bổ sung chất đạm từ thịt, cá… và các thực phẩm giàu kẽm như tôm, mực…