Nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên có khả năng biểu hiện dấu hiệu trầm cảm cao hơn nếu bị nghiện điện thoại. Dưới đây là một số dấu hiệu con nghiện điện thoại mà các bố mẹ cần lưu ý.
- Bé gái 12 tuổi bị xâm hại sinh con: Chuyên gia nhắn nhủ gì với phụ huynh?
- Bé gái học mẫu giáo bị bạn nam cùng lớp hôn môi, cô giáo xử trí khéo léo khiến phụ huynh hết mực yên tâm: Giáo dục giới tính cho trẻ cần nhớ điều này
Điện thoại di động là một phần quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay, đặc biệt là ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Thực tế, các nghiên cứu cho thấy khoảng 95% thanh thiếu niên được dùng điện thoại thông minh (smartphone).
Từ liên lạc với bạn bè, nhóm lớp cho đến ứng dụng liên quan đến trường học,... thanh thiếu niên dường như không thể ngừng sử dụng smartphone.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi việc sử dụng điện thoại bình thường trở thành bất thường?
Cùng tìm hiểu những dấu hiệu nghiện điện thoại ở thanh thiếu niên, mối liên hệ giữa việc sử dụng điện thoại và vấn đề sức khỏe tâm thần cũng như những điều bố mẹ có thể làm để giúp đỡ con cái trong vấn đề này.
1. Nghiện điện thoại là gì?
Nghiện điện thoại thông minh, cũng có thể được coi là nỗi sợ hãi khi không được kết nối với Internet hoặc dịch vụ di động, có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần.
Mặc dù mối liên hệ giữa nghiện điện thoại và trầm cảm, lo âu, cô đơn đã được thiết lập rõ ràng, nhưng cho đến gần đây, nó vẫn là một vấn đề kiểu "con gà có trước hay quả trứng có trước"
Điện thoại có gây ra những triệu chứng này không, hay những người có những triệu chứng này có nhiều khả năng trở nên phụ thuộc vào điện thoại hơn?
Dù là theo chiều hướng nào, nghiên cứu cũng cho thấy rõ tầm quan trọng của việc giới hạn thời gian sử dụng màn hình (screen time) cho thanh thiếu niên để giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát các triệu chứng này, cũng như giúp trẻ đối phó với bất kỳ vấn đề tâm thần nào phát sinh.
2. Sử dụng smartphone và sức khỏe tâm thần
Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona đã khám phá mối liên hệ giữa việc sử dụng smartphone và sức khỏe tinh thần với một nhóm từ 18 đến 20 tuổi.
Các nhà nghiên cứu gọi nhóm tuổi này là "thanh thiếu niên lớn tuổi". Đây là nhóm đối tượng quan trọng vì họ nằm trong số những người đầu tiên lớn lên với công nghệ thông minh sẵn có. Chiếc iPhone đầu tiên được ra mắt vào năm 2007.
Khi tiến hành nghiên cứu, nhóm nghiên cứu tập trung vào sự phụ thuộc tâm lý của họ với thiết bị chứ không phải việc sử dụng thông thường.
Các đối tượng tham gia phải trả lời các câu hỏi như "Tôi hoảng sợ khi không thể sử dụng smartphone của mình" và các câu hỏi được thiết kế để đo lường sự cô đơn và trầm cảm trên thang điểm 4.
Từ đó, các nhà nghiên cứu có thể xác định rằng chứng nghiện điện thoại thực sự là một yếu tố dự báo các triệu chứng trầm cảm.
Giáo sư trợ lý Matthew Lapierre tại Khoa Truyền thông, Trường Khoa học Xã hội và Hành vi, Đại học Arizona, cho biết: "Điều rút ra chính là việc phụ thuộc vào smartphone có thể dự báo trực tiếp các triệu chứng trầm cảm sau này. Vấn đề nằm ở chỗ mọi người phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị này, đến mức lo lắng nếu không thể sử dụng nó và điều đó đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của họ."
Nguy cơ nghiện điện thoại đối với thanh thiếu niên ngày càng rõ ràng. Tuy nhiên, bố mẹ có thể khó xác định liệu con mình có đang dùng điện thoại một cách bình thường hay đã bị phụ thuộc tâm lý vào điện thoại.
Chuyên gia tư vấn giáo dục Monique Hicks khuyên các bậc phụ huynh nên chú ý các dấu hiệu cảnh báo trẻ đang sử dụng điện thoại quá mức thông thường.
Các dấu hiệu phổ biến của chứng nghiện điện thoại ở thanh thiếu niên bao gồm:
- Luôn giữ điện thoại bên mình
- Thay đổi hành vi
- Khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc
- Phản ứng cực đoan khi bị tách khỏi điện thoại
- Thiếu kiên nhẫn, cáu kỉnh, bồn chồn, không thể tập trung ở trường khi không có điện thoại
- Thách thức xã hội gia tăng
- Rối loạn giấc ngủ
- Ngày càng dành nhiều thời gian cho điện thoại
- Chuyển đổi giữa nhiều thiết bị và chương trình (mạng xã hội, nhắn tin, chơi game, v.v.)
4. Bố mẹ có thể làm gì để giúp con 'cai nghiện'?
Phụ huynh có thể muốn cấm hoàn toàn các thiết bị thông minh của trẻ, song tốt hơn, nên theo dõi và điều chỉnh việc sử dụng của con cái.
Cả nền tảng Google/Android và iPhone đều cung cấp các tùy chọn giúp gia đình cân bằng việc sử dụng điện thoại.
Ứng dụng Digital Wellness cho Android và Screen Time cho iPhone hiển thị dữ liệu về việc sử dụng thiết bị theo thời gian thực và cung cấp các công cụ để hạn chế việc sử dụng điện thoại.
Tương tự, ứng dụng Family Link trên Android cho phép bố mẹ giám sát từ xa việc sử dụng điện thoại và ứng dụng, đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị và thậm chí khóa thiết bị trong khoảng thời gian nhất định.
Ngoài việc giới hạn sử dụng điện thoại, việc tạo ra một tấm gương cho trẻ về việc sử dụng điện thoại một cách lành mạnh cũng rất quan trọng.
Bố mẹ cần chú ý đến thời gian sử dụng điện thoại của mình và làm gương trong việc sử dụng điện thoại điều độ. Nếu bố mẹ cầm điện thoại suốt ngày thì con cái sẽ bắt chước theo.
Bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia vào nhiều hoạt động sáng tạo, tập thể dục thể thao, giao tiếp xã hội trực tiếp và các hoạt động thực hành để duy trì sự cân bằng trong cuộc sống.
Kết luận
Các ứng dụng smartphone, mạng xã hội, trò chơi và các hoạt động trực tuyến được xây dựng để khuyến khích việc sử dụng điện thoại không ngừng nghỉ.
Bộ não của trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên thường không được trang bị để điều chỉnh việc sử dụng smartphone một cách lành mạnh nếu không có sự kiểm soát của bố mẹ. Vì vậy, điều quan trọng là bố mẹ phải can thiệp để giúp con học được kỹ năng quan trọng này.
Nếu bạn cảm thấy con mình có thể bị nghiện điện thoại hoặc có dấu hiệu trầm cảm hoặc lo âu, hãy liên hệ với chuyên gia y tế hoặc bác sĩ tâm lý để được tư vấn.
(Theo Parents)