10 mẹo nhỏ nhưng có "võ" dạy trẻ bướng bỉnh trở nên ngoan ngoan, nghe lời

Chăm sóc con 08/11/2022 08:19

Chỉ cần hiểu con và có cách giáo dục phù hợp, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp bé phát huy những ưu điểm trong cá tính và giảm bớt sự bướng bỉnh của bản thân.

Khi con không nghe lời thường bị phụ huynh đánh giá là đứa trẻ bướng bỉnh. Tuy nhiên không hẳn vậy! Đôi khi chỉ là do con có chính kiến và cá tính mạnh. Quan điểm, suy nghĩ của con khác với bố mẹ. Vì vậy phụ huynh cần phải hiểu, nắm bắt tâm lý của trẻ và có cách giáo dục phù hợp.

Dưới đây là 10 mẹo nhỏ nhưng có "võ", giúp cha mẹ có thể dạy trẻ bướng bỉnh trở nên nghe lời!

1. Lắng nghe suy nghĩ của trẻ

Giao tiếp mang tính hai chiều. Nếu bạn lắng nghe con mình thì chúng cũng sẽ lắng nghe bạn. Và ngược lại.

Trẻ không nghe lời bố mẹ có thể là do con có suy nghĩ, ý kiến riêng. Đặc biệt con có cá tính mạnh nên muốn đấu tranh đến cùng cho quan điểm của mình. Khi bố mẹ không lắng nghe, nhất quyết ép chúng làm theo ý mình, trẻ có thể trở nên ngang tàng, chống đối. Vậy nên phụ huynh hãy thật sự lắng nghe ý kiến, băn khoăn của con và trò chuyện cởi mở để bé ngoan ngoãn hơn.

10 mẹo nhỏ nhưng có 'võ' dạy trẻ bướng bỉnh trở nên ngoan ngoan, nghe lời - Ảnh 1

2. Tôn trọng trẻ

Khi đã lắng nghe suy nghĩ của con, cha mẹ cần tôn trọng trẻ. Một số cách cha mẹ nên áp dụng để thể hiện mình rất cởi mở, lắng nghe quan điểm, suy nghĩ của con:

- Hợp tác với con chứ không yêu cầu trẻ nhất định phải theo chỉ thị của mình.

- Đưa ra những quy tắc nhất quán với tất cả các con và không tùy tiện phá bỏ những quy tắc này đối với bất kỳ đứa con nào.

- Để con tự làm những gì nằm trong khả năng của con. Điều này thể hiện cho bé thấy bạn tin tưởng chúng.

- Luôn nhất quán trong lời nói của mình, không hứa suông hoặc dọa dẫm trẻ.

- Làm gương cho con.

3. Phòng tránh những cơn nổi loạn của con

Cha mẹ hoàn toàn có thể "chuyển hướng" những cơn nổi loạn của trẻ ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bé sắp giận dỗi, bướng bỉnh. Ví dụ như con sắp la khóc khi bị bắt tắt TV để đi tắm, mẹ hoàn toàn có thể tạo không gian nhà tắm trở nên ngộ nghĩnh, bắt mắt. Như vậy bé sẽ có hứng thú với việc đi tắm, thay vì mẹ đột ngột tắt TV và yêu cần con phải đi tắm.

Ngoài ra cha mẹ có thể lập kế hoạch dựa vào cảm xúc của trẻ. Ví dụ như cho con đến gặp bác sĩ vào buổi sáng khi trẻ thường vui vẻ, hào hứng và đầy năng lượng. Những hoạt động, trò chơi thú vị, hay những món ăn vặt ngon lành có thể dành cho buổi chiều khi trẻ khó chịu và dễ nổi cáu.

10 mẹo nhỏ nhưng có 'võ' dạy trẻ bướng bỉnh trở nên ngoan ngoan, nghe lời - Ảnh 2

4. Cho trẻ có quyền lựa chọn, không ép buộc

Khi bố mẹ nghiêm khắc ép con phải làm 1 việc gì đó, chúng sẽ cảm thấy oan ức, vô lý. Từ đó sinh ra tâm trạng chống đối, làm loạn. Để tránh cảm xúc tiêu cực này, cha mẹ cần có sự kết nối với con. Phụ huynh hãy cho con quyền lựa chọn để bé không có cảm giác mình bị ép buộc làm một việc gì đó.

Tuy nhiên cha mẹ không nên cho trẻ quá nhiều lựa chọn vì điều này có thể khiến bé bối rối hoặc con sẽ sinh hư, mọi thứ đều làm theo ý mình. Phụ huynh nên đưa ra các lựa chọn và bé chỉ được chọn 1 trong những điều đó mà thôi.

5. Sự bình tĩnh giúp cha mẹ dạy trẻ bướng bỉnh trong hòa bình

Khi con không nghe lời, có hành động chống trả, hẳn cha mẹ nào cũng rất bực bội, cáu giận. Tuy nhiên bạn đừng để cơn giận của mình "đốt cháy" tất cả, làm bùng lên ngọn lửa chống đối quyết liệt hơn của con.

Cha mẹ hãy cố gắng đừng cao giọng, đồng thời hãy sử dụng những từ ngữ tích cực nhất có thể. Phụ huynh cần thật bình tĩnh để giải thích rõ ràng cho bé tại sao con phải làm theo lời người lớn.

Một mẹo khá hiệu quả trong cách dạy trẻ bướng bỉnh đó là hãy để ý vào những việc trẻ nên làm, thay vì những việc trẻ không chịu làm. Ví dụ bé bày đồ chơi la liệt ra nền nhà, thay vì nói "con không được bày bừa ra đó", mẹ có thể thay thế bằng: "Nếu con để gọn đồ chơi vào rổ, nhà mình trông sạch sẽ và đẹp hơn. Đồ chơi của con cũng không bị mọi người giẫm nát...". Như thế sẽ khiến trẻ dễ chấp nhận hơn.

6. Giải thích quy định mà cha mẹ đặt ra

Đôi khi trẻ chống đối cha mẹ vì chúng chưa hiểu nỗi lòng của các bậc phụ huynh. Thay vì la mắng, cấm đoán bạn hãy dạy trẻ sự thấu hiểu. Cha mẹ hãy nói với con lý do vì sao mình lại làm thế. Nếu con không vâng lời thì hậu quả sẽ như thế nào. Việc giải thích như vậy sẽ giúp trẻ hiểu được hành động của mình có ảnh hưởng trực tiếp tới người khác. Từ đó trẻ sẽ học được cách suy nghĩ về hậu quả của hành động trước khi thực hiện.

10 mẹo nhỏ nhưng có 'võ' dạy trẻ bướng bỉnh trở nên ngoan ngoan, nghe lời - Ảnh 3

7. Áp dụng "thời gian suy ngẫm" khi dạy trẻ

Khi cha mẹ đã trò chuyện, lắng nghe ý kiến cũng như cho con quyền lựa chọn... mà trẻ vẫn bướng bỉnh, vậy thì hãy thử áp dụng thời gian suy ngẫm đối với chúng. Hãy cho con một không gian yên tĩnh trong một khoảng thời gian nhất định. Việc này sẽ giúp cả bạn và trẻ trấn tĩnh lại để nhìn thấu đáo vấn đề hơn.

8. Sử dụng hình phạt một cách hợp lý

Việc nuôi dạy trẻ cần có quy tắc và kỷ luật. Con cần hiểu được mình sẽ bị phạt nếu vi phạm các quy tắc này. Vậy nên, ba mẹ cần có những hình thức kỷ luật phù hợp với hành vi của con.

Phụ huynh cần phạt trẻ ngay khi con có lỗi lầm. Cha mẹ nên giải thích cho con hiểu vì sao mình phạt chúng và mong muốn con thực hiện hình phạt này ra sao. Điều đó sẽ giúp trẻ nhớ và không tái phạm. Tuy nhiên hình phạt không nên quá nặng nề, nghiêm khắc. Vì nếu cha mẹ quá đáng quá, con càng sinh tâm lý chống đối, làm phản.

Ngoài hình phạt, cha mẹ vẫn nên khuyến khích trẻ khi con nghe lời. Khi thưởng cho chúng, hãy cho con biết đây là một trong những cách bạn thể hiện sự thấu hiểu và tôn trọng đối với trẻ. Nó sẽ mang lại cho trẻ sự tin cậy đối với nhu cầu kỷ luật của cha mẹ.

9. Tạo không khí vui vẻ

Trẻ em học thông qua quan sát và trải nghiệm. Nếu bé thấy ba mẹ cãi nhau thường xuyên thì chúng sẽ bắt chước và dần trở nên chống đối, bướng bỉnh. Vì vậy phụ huynh hãy chú ý tạo không khí vui vẻ, hòa thuận ở nhà nhé.

10. Cha mẹ cũng cần xem lại bản thân

Khi bạn có lỗi, hãy đừng ngần ngại thừa nhận chúng và xin lỗi trẻ. Và cha mẹ đừng quên giải thích tại sao mình lại hành động như vậy. Phụ huynh hãy giúp con hiểu được không ai đúng hoàn toàn. Điều quan trọng là biết nhận lỗi và sửa sai. Khi thấy bố mẹ tự kiểm điểm về hành vi của mình, con cũng sẽ nhớ và tránh mắc phải những sai lầm mà bố mẹ mình phạm phải. Như thế trẻ sẽ trở nên ngoan ngoãn, nghe lời và ít chống đối hơn.

Khiếm thính ở trẻ em - phát hiện bằng cách nào?

Khiếm thính ở trẻ em là dạng khuyết tật cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả, nhất là với trẻ chưa biết nói.

TIN MỚI NHẤT