Bé nhà tôi hơn 3 tuổi, nhưng rất chậm trong giao tiếp. Hơn 2 tuổi, bé mới biết nói.
- Bố mẹ tuân thủ điều quan trọng này, trẻ sẽ dễ dàng tự xúc ăn được từ nhỏ
- Thủ thuật tâm lý đơn giản giúp bố mẹ dạy con trưởng thành sau mỗi lần thất bại
Từ khi biết nói tới giờ gần 1 năm, bé nói vẫn chưa thành câu, câu cú rất lộn xộn. Với những câu từ 6 âm tiết trở lên, khi được yêu cầu nhắc lại, bé hiếm khi nhắc lại đúng, câu hay bị lộn xộn hoặc bé hay thêm từ.
Bé thường xuyên nổi cáu, và tính rất lì. Có khi bị quát hoặc đánh, bé khóc đến cả tiếng, sau đó vẫn nhớ đòi việc gì đó bằng được. Người lớn gọi thường không thưa, phải gọi kèm rồi bé mới thưa.
Tôi hoang mang không biết phải làm sao với bé. Mọi người khuyên tôi nên khuyên nhủ, bảo ban, ít đánh mắng bé thì cải thiện được tình hình. Thế nhưng, bé không chịu ngồi yên nghe nên rất khó nói chuyện. Nhiều khi bé không hiểu lời người lớn nói. Mong được tư vấn. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Phương)
Trả lời
Với các dữ liệu bạn cung cấp, theo tôi, bé không chậm nói mà chỉ là chưa trình bày được đúng ý như bé muốn hoặc chưa trình bày gãy gọn như cha mẹ mong đợi.
Vấn đề là khi con chưa nói rõ câu, bé thường bị mắng. Cảm giác của con là cảm thấy bất lực, mệt mỏi, khó chịu. Chính vì vậy, bé hay nổi cáu và lên cơn lỳ lợm. Lúc con lên cơn lỳ là lúc con nghĩ: con tồi tệ thế đấy, bất chấp.
Làm cha làm mẹ, việc cần thiết là chúng ta phải kiên nhẫn. Các bé học hỏi phải học từ từ. Không ai có thể giỏi ngay từ phút đầu. Việc cha mẹ nhìn các bé xung quanh để đánh giá con mình đã tạo ra áp lực cho cả cha mẹ lẫn bé. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa cha mẹ và bé ngày càng căng thẳng và hai bên không có được tiếng nói chung.
Bạn không cần phải khuyên nhủ hay dỗ dành gì con cả. Hãy chấp nhận những câu trả lời, câu nói ngắn ngủn hay lủng củng của con đi. Đừng cố sửa chữa câu cú, la mắng con hay đánh đập con. Điều quan trọng là cha mẹ hãy làm gương với con. Hãy nói những câu thật rõ ràng, rành mạch.
Khi cha mẹ đi đâu về, gặp con, hãy khoanh tay chào con thật to, rõ ràng. Con có chào lại hay không cũng bỏ qua. Khi nói với con, hãy nói rõ ràng, lễ phép, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Những câu nói rõ ràng, đầy đủ, được lặp đi lặp lại sẽ giúp con biết con nên nói như thế nào cho đúng. Tất cả những câu giao tiếp với con, người lớn đều nói rõ ràng, đầy đủ chủ vị và lễ phép thì con sẽ hiểu và làm theo thôi. Đến lúc đó, bạn sẽ thấy con điều chỉnh lời ăn tiếng nói rất dễ dàng và bớt cáu gắt.
Hãy kiên nhẫn, con đang học nói thì phải có sai sót. Con sẽ học hỏi từ sai sót đó nếu cha mẹ kiên nhẫn và chịu khó hướng dẫn con theo cách mà tôi đã nói ở trên.
Ngoài ra, bạn nên đọc sách cho con nghe mỗi tối. Dục tốc bất đạt, bạn đừng vội vàng, hãy kiên nhẫn. Vài tháng nữa, bạn sẽ thấy con nói năng đầy đủ, lễ phép và rõ ràng. Chúc bạn và con thành công.
Chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương