Mất tập trung ở trẻ em diễn ra khá thường xuyên. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập và phát triển não bộ của trẻ. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải tìm hiểu rõ thủ phạm khiến trẻ mất tập trung để có những biện pháp khắc phục phù hợp.
Mất tập trung là một trong những biểu hiện phổ biến của hiện tượng suy giảm trí nhớ. Điều này khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức và thông tin mới, gây suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm lý cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Biểu hiện khi trẻ mất tập trung
Khó tập trung lâu vào 1 việc
Trẻ thường không ngồi yên để làm bất cứ một việc gì cho đến lúc hoàn thành. Do vậy, trẻ không thể hoàn tất bài vở ở trường, công việc ở nhà mặc dù không phải do cố tình chống đối hoặc không làm được.
Không nghe lời
Khi mất tập trung, trẻ thường sẽ không nghe theo các chỉ dẫn, dễ làm sai hoặc hiểu sai.
Dễ bị chi phối bởi các hoạt động bên ngoài
Biểu hiện của trẻ mất tập trung còn ở việc trẻ dễ bị chi phối bởi các hoạt động bên ngoài. Từ đó làm trẻ mất tập trung khi học. Những trò chơi, những bộ phim, tiếng ồn hay những cuộc nói chuyện của người khác sẽ rất dễ khiến bé phân tâm.
Dễ quên
Một điểm dễ thấy nhất ở các bé bị bệnh mất tập trung là đãng trí. Các bé sẽ quên mất rằng mình sẽ phải học gì, làm gì mặc dù trước đó bé có thể vừa được nhận công việc từ thầy cô, cha mẹ. Khó tham gia vào các hoạt động cần tính tổ chức, đòi hỏi sự chú ý lâu dài.
Thủ phạm khiến trẻ mất tập trungDinh dưỡng thiếu chất sắt
Theo các chuyên gia, thiếu sắt là nguyên nhân khiến trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và gặp khó khăn trong việc tập trung.
Thiếu ngủ
Theo tiêu chuẩn giấc ngủ, trẻ em cần ngủ từ 10 - 11 tiếng/ngày. Do đó, nếu không được ngủ đủ giấc sẽ khiến trẻ mệt mỏi, uể oải, mất tập trung trong giờ học. Đặc biệt, một số trường hợp trẻ sẽ hiếu động thái quá vào ban ngày nếu giấc ngủ không được đảm bảo về lượng và chất.
Sử dụng thiết bị điện tử
Một số cha mẹ thường cho con tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ mà không biết rằng, ánh sáng xanh phát ra từ tivi, máy tính, điện thoại có thể phá vỡ nhịp sinh học, cản trở giấc ngủ, đồng thời tia bức xạ từ các thiết bị này làm giảm khả năng phát triển não bộ, khiến trẻ tiếp nhận thông tin thụ động và dễ gây mất tập trung.
Di truyền
Bệnh mất tập trung ở trẻ có thể xuất phát từ di truyền, khiến bé chậm phát triển. Bệnh lý này có thể xuất hiện trong khi mang thai hoặc khiếm khuyết về não bộ trước khi sinh, dẫn đến trẻ chậm phát triển, mất đi khả năng tập trung.
Biện pháp khắc phục bệnh mất tập trung ở trẻ
Để giúp bé cải thiện sự tập trung, tăng cường khả năng phản xạ và tiếp nhận thông tin, cha mẹ nên tham khảo các gợi ý sau đây:
Bổ sung chất sắt
Khi cơ thể bé thiếu sắt sẽ gây cảm giác mệt mỏi, dễ mất tập trung. Do đó, mẹ nên bổ sung thức ăn giàu sắt như: Thịt bò, hải sản, rau màu xanh sẫm và các loại đậu… trong thực đơn hàng ngày.
Đảm bảo giấc ngủ
Ngủ đủ cả lượng và chất giúp bé có đủ năng lượng để hoạt động trong ngày. Khi ngủ sâu, não bộ được phục hồi, cải thiện trí nhớ, tăng cường sự tập trung của trẻ trong công việc hàng ngày.
Hạn chế thiết bị công nghệ
Việc cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ khiến bé dễ xao nhãng, mất tập trung, thậm chí rơi vào trạng thái mơ tưởng về thế giới ảo. Do đó, cha mẹ nên giới hạn thời gian sử dụng hoặc hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị này từ khi bé còn nhỏ.
Tập thể dục
Tập thể dục hàng ngày là một phương pháp có thể giúp các bé tăng khả năng tập trung cao độ. Cha mẹ nên cho bé học các lớp khiêu vũ, nhảy, thể dục nhịp điệu... để rèn luyện sự dẻo dai, tăng cường khả năng chú ý và tạo sự phản xạ nhanh trong cuộc sống.
Nhìn chung, mất tập trung ở trẻ gây ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của não bộ. Do đó, cha mẹ cần tìm ra nguyên nhân để có cách xử trí kịp thời, tránh ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển toàn diện của bé.