Những sai lầm nhiều phụ huynh mắc phải khi nuôi dạy con

Bài học làm mẹ 11/07/2022 11:48

Các bậc phụ huynh cùng tham khảo và rút kinh nghiệm để tìm ra cách dạy con tốt nhất nhé!

Dùng đòn roi dạy con

Khi trẻ hư, không vâng lời cha mẹ, việc giáo dục chúng là điều nên làm. Tuy nhiên không ít phụ huynh trong lúc nóng giận đã lôi con ra đánh 1 trận để xả bực và để cho con ghi nhớ sai lầm.

Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học, việc dạy con bằng đòn roi là không đúng. Bởi những trận đánh đòn sẽ đem lại hậu quả nặng nề đến tâm lý của trẻ.Hậu quả đầu tiên là khiến trẻ có xu hướng trở nên bạo lực. Một đứa trẻ bị cha mẹ đánh đòn thường dễ nổi nóng, kích động hơn với mọi người xung quanh.

Những sai lầm nhiều phụ huynh mắc phải khi nuôi dạy con - Ảnh 1
 Ảnh minh họa

Một nghiên cứu của trường đại học Tulane cho thấy rằng, đứa trẻ thường xuyên bị đánh đòn từ lúc 3 tuổi sẽ có hành vi gây rối nhiều hơn so với những đứa trẻ không bị đánh. Sở dĩ xuất hiện sự hung hăng này đó chính là phản ứng với việc trải qua nỗi đau, ấm ức khi bị đánh đòn.

Con sẽ bắt chước hành vi bạo lực và suy nghĩ bạo lực của cha mẹ.Việc đánh con không chỉ khiến đứa trẻ bị tổn thương về thể xác mà còn cả về mặt tinh thần. Trẻ dễ mắc chứng rối loạn hành vi xã hội, rối loạn tinh thần, căng thẳng và bất ổn về mặt cảm xúc.

Chỉ trích con trước mặt người khác

Theo các nhà giáo dục, tất cả những đứa trẻ khó giáo dục nhất là những đứa trẻ mất đi lòng tự trọng. Thế nên, bố mẹ phải làm mọi cách để bảo vệ điều quý giá nhất của con, chính là lòng tự trọng.

Khi đứa trẻ bị tổn thương lòng tự trọng, trẻ sẽ quay lưng trốn chạy, trở nên hèn nhát, yếu đuối, hoặc ngược lại, trở thành đứa nổi loạn, vượt ra khỏi quy tắc, khuôn khổ, thậm chí bất chấp pháp luật. Dù là tình huống nào đi nữa, sẽ cần rất nhiều thời gian, thậm chí là cả một đời để có thể chữa lành tổn thương cho đứa trẻ ấy.

Chính vì vậy, để bảo vệ lòng tự trọng của con, cha mẹ không nên mắng mỏ, chỉ trích con nơi công cộng. Trẻ bị mắng mỏ, chỉ trích trước mặt mọi người thường cảm thấy ê chề, xấu hổ, thất vọng với cha mẹ và mất đi sự tin tưởng vào họ.

Điều cha mẹ cần làm là bình tĩnh trò chuyện, phân tích đúng sai với trẻ, để trẻ hiểu và không phạm lỗi. Để nhấn mạnh độ "hư" của đứa trẻ, nhiều cha mẹ thường dùng những lời cay nghiệt để tác động đến đứa trẻ. Điều đó khiến trẻ tổn thương sâu sắc và đó là sự trừng phạt phũ phàng nhất với trẻ.

Khen ngợi con quá đà - 'Dán nhãn' cho con

Đôi khi lời khen phát ra ngay cả khi chúng ta không có ý định nói. Ví dụ, khi các bố mẹ nói chuyện về con mình, bố mẹ sẽ tình cờ khen ngợi con, hay thậm chí chê bai con mà chẳng hề nhận ra. Chúng ta đã vô tình gán con mình vào những 'danh hiệu' như con tôi là: 'Một đứa trẻ khỏe mạnh', 'một đứa trẻ hài hước', 'một đứa trẻ nhút nhát' mà không hề nhận ra. Chúng ta đã nhấn mạnh vào khả năng của con thông qua việc so sánh, và 'gói' tất cả những đứa trẻ của chúng ta trong một cái hộp chật hẹp.

Những sai lầm nhiều phụ huynh mắc phải khi nuôi dạy con - Ảnh 2
 Ảnh minh họa

Hay tệ hơn, bố mẹ còn tạo nên những đứa trẻ gắn với những nhiệm vụ cụ thể. Ví dụ bố mẹ sẽ hay có kiểu khen con là 'chuyên gia bê bát', 'chuyên gia dọn đồ chơi'. Bằng những lời khen như vậy, bố mẹ đã vô tình áp đặt con, khiến con không thể kiểm soát được con là ai hay con làm gì.

Lời khuyên: Ngay cả khi bạn biết rằng con gái bạn có thể sau này sẽ có tương lai trở thành người mẫu, hay con trai bạn không bao giờ dám đứng phát biểu trước đám đông, bạn cũng đừng 'dán nhãn' con gái mình là 'một đứa xinh đẹp' hay con trai mình là 'một đứa nhút nhát'.

Còn khi phân chia các công việc trong nhà, hãy phân chia công việc phù hợp với lứa tuổi và một cách công bằng để các con đều có thể thử qua mọi việc. Và biết đâu đấy, với những lời động viên từ bố mẹ, con trai nhút nhát ngày nào của bạn có thể tự tin đứng thuyết trình giữa hàng nghìn người thì sao?

So sánh với con nhà người ta

Việc con bị so sánh với bạn khác vô tình đã tạo áp lực cho con, giảm lòng tự trọng của con, giảm giá trị bản thân, xấu hổ khi giao tiếp, tạo ra thái độ bất cần, nếu tài năng hoặc thành tích của đứa trẻ luôn bị bỏ qua thì bé thậm chí sẽ không muốn làm vui lòng bố mẹ nữa. 

Việc con luôn giữ thái độ tiêu cực chống đối lại bạn khi bị đưa ra so sánh chứng tỏ bé cảm thấy không hài lòng với bố mẹ. Từ đó, bé sẽ tạo khoảng cách với gia đình. Con cũng cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Nếu kéo dài tình trạng này, cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tính cách của con yêu về sau.

Hơn nữa, còn gây ra sự đố kỵ giữa anh chị em, nếu bạn đem con ra so sánh với nhau thì thay vì ngưỡng mộ anh chị em giỏi hơn, trẻ sẽ bắt đầu bí mật nuôi dưỡng suy nghĩ ganh ghét. Hơn thế nữa, trẻ sẽ giữ khoảng cách với bố mẹ và dần dần bố mẹ sẽ bị mất kết nối với con. 

Chẳng có ai hoàn hảo và thiếu sót là điều rất bình thường. Hãy cho con thời gian hoàn thiện nhé!

Dấu hiệu nhận biết rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý là một hội chứng rối loạn thần kinh và nó ảnh hưởng đến sự phát triển của não và hệ thần kinh.

TIN MỚI NHẤT