Chăm sóc một đứa trẻ có cá tính mạnh, dễ nổi cáu là một vấn đề đau đầu của rất nhiều bậc phụ huynh.
- Mẹ Nhật Nam chỉ rõ 8 hiểu lầm cha mẹ hay mắc trong dạy con trước khi vào lớp 1
- Con đi mẫu giáo: 5 điều mẹ nhất định phải dạy con trước để bé không bỡ ngỡ
Hiểu rõ nguồn cơn của sự kích động là vấn đề mấu chốt để giúp con bình tĩnh trong bất cứ trường hợp nào. Tập cho trẻ những cách kiềm chế cảm xúc khi không có cha mẹ bên cạnh là điều vô cùng cần thiết bởi hầu hết các con đều dành phần lớn thời gian tại trường học.
Lý Lan - một bà mẹ trẻ ở Trung Quốc chia sẻ câu chuyện của gia đình mình:
Vào sinh nhật lần thứ 8 của Tiểu Hùng - cậu con trai cả, cô đã mời những người bạn thân nhất của con đến dự bữa tiệc. Trong số những người bạn ấy có một cặp song sinh nhà hàng xóm, bởi đứa con gái út của cô chỉ cách hai cậu bé 1 tuổi nên chúng nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau. Khi ba đứa trẻ đang đùa nghịch với nhau bằng đồ chơi cũ của Tiểu Hùng, cậu con trai cả của cô chứng kiến điều này lại không hề cảm thấy vui vẻ. Nó la hét tức giận và lao vào giật con gấu bông trong tay hai anh em sinh đôi kia, cho dù Tiểu Hùng đã không còn đoái hoài đến món đồ chơi đó từ lâu lắm rồi. Trước đó, cậu đã từng nhiều lần đánh bạn ở trường mẫu giáo bởi những đứa trẻ ấy làm trái ý mình.
Nên nhớ rằng hình phạt và kỷ luật truyền thống không hề có tác dụng với những tâm hồn còn nhạy cảm và non nớt như vậy. Khi chúng ta trừng phạt chúng, bọn trẻ sẽ càng trở nên giận dữ và thù địch hơn mà thôi. Đáng sợ hơn, chúng có thể sẽ kìm nén cơn tức giận của mình để tránh bị phạt, lâu dần những cảm xúc ấy tích tụ lại sẽ dẫn đến chứng trầm cảm và khiến trẻ bắt đầu sợ hãi thế giới bên ngoài.
"Tức giận là một cảm xúc tự nhiên, lành mạnh mà con người ai cũng phải trải qua. Đồng ý rằng trẻ con không nên thể hiện cảm xúc thông qua những hành động hung hăng, nhưng cố gắng nén chặt nó thì những tâm trạng tức giận ấy sẽ đâm ngược lại tâm hồn yếu ớt của con trẻ." - Tiến sĩ Andrea Brandt
Trong quá trình cố gắng giúp chúng cư xử đúng mực thì sự đồng cảm, yêu thương và tôn trọng mà cha mẹ dành cho con là điều có tác động lớn nhất đến suy nghĩ của chúng.
Khi trải qua những cảm xúc mãnh liệt, một đứa trẻ có thể đánh, đá, ném hoặc la hét, phá hoại đồ đạc trong nhà khiến cho cha mẹ vô cùng khó khăn để giữ bình tĩnh trước những hành động ấy.
Tuy nhiên, cách cha mẹ phản ứng với hành vi của con mình sẽ tác động mạnh mẽ đến cách chúng sẽ cư xử trong tương lai.
Những lưu ý cần nhớ khi giúp con ổn định cảm xúc
1. Hãy thông cảm với con
Đừng bao giờ lảng tránh và phủ nhận cảm xúc của những đứa trẻ, hãy nhớ rằng khi con nổi giận là lúc chúng trở nên bướng bỉnh hơn một chút mà thôi.
2. Cho con không gian riêng để bình tĩnh, nhưng đừng bao giờ cô lập chúng
Khi con có xu hướng động tay, động chân để gây hấn với người khác, việc cho con không gian riêng để giải tỏa căng thẳng là vô cùng cần thiết. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đấm vào gối hoặc chăn là một cách hữu dụng để trút bỏ bực tức. Tuy nhiên, đừng bao giờ để chúng cô đơn, buồn bã một mình và cảm thấy bị cách ly khỏi gia đình.
3. Nhắc nhở con rằng tức giận là điều hoàn toàn bình thường
Hãy nhắc con rằng chúng không hề khác người khi nổi cáu và tức giận, bởi đó là một phần cảm xúc mà con người ai cũng phải trải qua. Hãy làm dịu cơn kích động của trẻ bằng những lời yêu thương nhẹ nhàng thay vì to tiếng quát mắng.
4. Truyền tải sự yêu thương bằng ánh mắt
Trẻ em là đối tượng cần được lắng nghe và chia sẻ hơn bất kì ai. Giao tiếp bằng ánh mắt là cách truyền đạt vô cùng hữu dụng để trẻ cảm nhận được tình yêu từ cha mẹ mình, từ đó mà tâm trạng chúng sẽ dần dịu xuống.
Hãy tìm cách thực hành những mẹo ở trên khi trẻ đang ở trong trạng thái bình tĩnh. Qua nhiều lần như vậy, chúng sẽ tự học được thói quen điều chỉnh cảm xúc của mình khi bắt đầu trở nên nóng giận và bực tức. Quan trọng nhất là cha mẹ phải thực sự kiên nhẫn và dành thời gian trò chuyện với trẻ để hiểu chúng và tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt với con.