Mới học lớp 1 nhưng cậu bé P. đã có thể gấp, cất quần áo, vứt rác, dọn cơm, lấy chén đũa và xới cơm, tự soạn đồ đạc, cặp sách đi học.
- Đứa trẻ quá nghịch và mẩu giấy dán trong thang máy, ai đọc xong cũng thán phục bà mẹ
- Không tập trung học bài, bé trai bị mẹ trừng phạt đến chết khiến ai cũng phẫn nộ
Dạy con làm việc nhà từ bé là cách để giúp trẻ sớm phát triển kỹ năng. Theo đó, không ít mẹ đã tận dụng các công việc nhà để dạy con về sự sẻ chia, biết yêu lao động và học các kỹ năng trong cuộc sống. Chị Lê Thị Lý (32 tuổi, hiện đang sống ở Thanh Hóa) là một trong số những bà mẹ như thế. Cậu con trai của chị - bé N.C.P – nay mới 7 tuổi nhưng đã là trợ thủ đắc lực cho mẹ trong rất nhiều việc nhà như hái rau, rửa cốc chén, quét nhà, gấp quần áo…
Cho con quan sát mẹ làm sau đó hướng dẫn cụ thể từng chi tiết
Với mong muốn con sớm hiểu được giá trị sức lao động và việc chia sẻ công việc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, chị Lý đã dạy con làm việc nhà từ những ngày con còn rất bé. Ngoài ra, chị cũng tin rằng khi giúp mẹ làm việc nhà cũng kích thích trí não trẻ phát triển, khi con gặp khó khăn không có bố mẹ bên cạnh, con vẫn có thể tự tìm cách để giải quyết.
Là người mẹ có quan niệm dạy con sống tự lập từ nhỏ nên khi bé P. 3, 4 tuổi chị Lý đã cho con làm quen với việc tự xúc ăn, tự mặc quần áo. Mọi vấn đề về ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân hay những việc liên quan đến bé mẹ luôn là người thúc giục và nhắc nhở.
Khi lên 4, 5 tuổi, với sự hướng dẫn của mẹ, bé đã có thể lau bàn, dọn bàn ăn, vứt rác đúng chỗ... Và từ 6, 7 tuổi, việc sắp xếp quần áo, lau quét nhà hoặc phụ mẹ rửa chén bát… đã không còn là trở ngại đối với con.
Mẹ 8X chia sẻ: “Với việc rửa cốc chén, mình sẽ hướng dẫn con như sau: Con cho nước rửa chén vào hòa với nước, tiếp theo cầm quai cốc chắc chắn, sau đó dùng giẻ rửa trong và ngoài cốc, rửa đến đâu bỏ cốc sang chậu nước đến đấy, rồi sau đó rửa lại bằng nước sạch 2 - 3 lần cho đến khi cốc hết trơn và không còn bọt ở chậu nước nữa, khi đấy là cốc đã sạch, con hãy làm như thế nhé! Mẹ chỉ mất một vài lần hướng dẫn, về sau con tự khắc làm từ đầu đến cuối mà không cần mẹ nhắc nhở thêm.
Mới đầu, mình cho con xem mẹ làm, con háo hức thích thú và muốn bắt tay vào làm. Rồi mẹ cho con được tự làm, những lần đầu con làm chưa quen, vụng về, lóng ngóng toàn phá hỏng. Nhưng mình vẫn kiên trì, vui vẻ khuyến khích con. Dần dần thì con quen tay, tự tiết chế được và biết cách làm sao cho không hỏng".
Mẹ khích lệ con lao động nhà bằng việc thưởng sticker
Ngày con 6 tuổi bỗng dưng chị thấy con không chủ động trong việc cá nhân. Lúc này chị Lý nghĩ có lẽ bản thân mẹ đã dạy sai, khiến bé trở nên không chủ động trong mọi việc và rất khó bảo. Chị nghĩ cần để con tự làm mọi việc chứ không nên thúc giục như trước nữa. Đã có lúc chị căng thẳng và lo lắng vì sợ dạy con sai cách, nhưng khi tìm hiểu và nghe những chuyên gia tâm lý giáo dục trẻ nhỏ chị đã hiểu ra vấn đề, là do mẹ chưa áp dụng đúng phương pháp, không để con tự làm mọi việc theo ý của con, mẹ cần ở bên con nhiều hơn, chơi với con nhiều hơn, lắng nghe và thấu hiểu con.
Hiểu được căn nguyên khiến con càng lớn càng ngang bướng, chị bắt đầu áp dụng các bài tập trong các khóa học giáo dục trẻ nhỏ và dành nhiều thời gian để chơi cùng con hơn.
Nói về bí quyết khích lệ con con, chị Lý tiết lộ: "Thời gian đầu mẹ đã cho con làm quen với các việc nhà thông qua quan sát. Khi con lớn dần, mình mới chính thức dạy cho con các việc phù hợp với sức của mình.
Chủ nhật là ngày con và mẹ có nhiều thời gian để trải nghiệm việc nhà nhất. Mình và bé sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà, gấp quần áo, mình rủ bé đi hái rau, hướng dẫn cách hái rau và tưới rau và không quên nói với con: "Hôm nay hai mẹ con mình cùng hái rau nhé" hoặc khi rửa cốc chén thì mình nhờ bé làm giúp và khen bé: “Con rửa sạch quá, hôm nay con làm rất tốt”, các công việc khác cũng vậy, vừa làm mình vừa gợi chuyện để con không thấy nhàm chán khi làm việc. Trẻ con đứa nào cũng rất thích được khen, đó cũng là một cách mẹ ghi nhận thành quả mà con làm được”.
Để khuyến khích con hăng say lao động, phát huy trí sáng tạo và tự lập, mỗi lần làm xong nhiệm vụ, chị Lý thưởng cho một sticker - mỗi sticker đổi được 1.000 đồng. Ban đầu con không mấy hào hứng, nhưng khi mẹ nhắc đến những thứ mà con đang thích như chỉ cần hai sticker là con đã có một gói bim bim mà con thích. Hoặc nếu con tích được nhiều tiền thì sẽ dùng khoản tiền đó mua sách vở, đồ dùng học tập, sau đó con rất vui vẻ làm việc.
Năm nay bé P. đã vào lớp 1, nhiệm vụ chính của con là học tập, song ngoài giờ học ở trường và làm bài tập ở nhà, con rất tích cực giúp mẹ hỗ trợ mẹ như gấp, cất quần áo, vứt rác. Ngoài ra con cũng đảm nhận việc dọn cơm, lấy chén đũa và xới cơm, tự soạn đồ đạc, cặp sách đi học. Bên cạnh đó con còn lau nhà, nhặt rau, rửa rau, vo gạo... Tùy lúc thích hợp, con sẽ được mẹ phân công thêm các việc vừa sức với mình. Theo thời gian, bé sẽ được mẹ hướng dẫn, gợi mở thêm nhiều các công việc khác trong nhà.
Từ chính hành trình dạy con của mình, chị Lê Thị Lý gửi thông điệp đến các bậc cha mẹ đó là: Cha mẹ hãy dành thời gian bên con, cùng con trò chuyện, vui đùa hay tổ chức các trò chơi cho con mỗi ngày, một khoảng thời gian ngắn nhưng chất lượng. Cha mẹ hãy đưa con ra ngoài thiên nhiên chơi thay vì đưa cho con chiếc ipad chơi trò chơi để con phát triển cả thể chất và tinh thần một cách tốt nhất.