Với các cô con gái, mức độ thân thiết với mẹ có thể ảnh hưởng, tác động nhiều đến những suy nghĩ và quá trình hình thành tính cách của họ.
- Cách xử trí khi con trẻ đánh bạn ở trường
- 5 nguyên tắc giúp trẻ vừa vui chơi vừa học tập trong kì nghỉ COVID-19
Tính cách và tương lai của một người phát triển ra sao phụ thuộc rất lớn vào cách giáo dục của bố mẹ. Ngoài ra mối quan hệ, mức độ thân thiết giữa các thành viên trong gia đình cũng đóng vai trò không nhỏ.
Với các cô con gái, mức độ thân thiết với mẹ sẽ ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và việc hình thành tính cách. Theo trang tin Bright Side, có 7 mức độ thân thiết và ảnh hưởng cụ thể như sau:
1. Mức độ chị em
Với mức độ thân thiết này, mẹ và con gái hoàn toàn bình đẳng và luôn gần gũi như chị em. Vai trò của mẹ và con gái thậm chí cạnh tranh và tráo ngược cho nhau. Người mẹ nhiều khi lơ là vai trò của mình và con gái nhận việc hỗ trợ, quán xuyến các công việc trong gia đình.
Ảnh hưởng: Những cô gái có mức độ thân thiết như chị em với mẹ thường có tính trách nhiệm cao và phù hợp với vị trí lãnh đạo. Họ coi trọng ranh giới giữa các cá nhân nhưng đồng thời lại cảm thấy cô đơn và luôn sợ hãi bị từ chối.
2. Mức độ bạn thân
Đối với mức độ này, mẹ và con gái có sự tin tưởng lẫn nhau. Mẹ là người đầu tiên con tìm đến khi có khúc mắc, tâm sự về các vấn đề trong cuộc sống như tình yêu, mua sắm,… Nói cách khác, mẹ chính là người bạn thân nhất của con.
Ảnh hưởng: Các cô con gái thường không ngại đối mặt với thử thách và luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Vì họ luôn được mẹ yêu thương, chia sẻ từ nhỏ. Họ sẵn sàng bắt đầu các mối quan hệ mà không sợ đổ vỡ và bị từ chối.
3. Mức độ xa lạ
Nếu bạn luôn giấu mẹ về mọi điều xảy ra trong cuộc sống cá nhân thì đây chính là "mức độ xa lạ". Thông thường, mẹ và con gái không quan tâm đến cuộc sống của nhau, cũng như không chia sẻ bất kỳ tâm tư, vấn đề nào. Trừ khi có vấn đề quan trọng, còn không mẹ và con ít khi trao đổi với nhau.
Ảnh hưởng: Các cô con gái có nhiều khả năng bị trầm cảm, hay lo lắng và lòng tự trọng thấp. Không chỉ vậy, mức độ tình cảm với mẹ còn ảnh hưởng đến cách con gái cư xử với bạn đời. Họ thường sống rất trách nhiệm, độc lập và không hay trao đổi, bàn bạc với bạn đời mà tự mình quyết định mọi việc.
4. Mức độ ảo
Đối với mức độ này, mẹ hoặc con gái thường chỉ tập trung vào bản thân và quan tâm đến hình ảnh bề ngoài. Họ để ý đến những lời đánh giá của mọi người hơn là tập trung bồi đắp tình cảm mẹ con thân thiết thật sự.
Chẳng hạn như hai mẹ con luôn đăng ảnh tình cảm với nhau nhưng thực tế lại không trò chuyện, tâm sự nhiều.
Ảnh hưởng: Nếu mẹ là người "sống ảo" thì con gái sẽ luôn cảm thấy thiếu thốn tình thương và cần đến sự an ủi tình cảm từ mọi người xung quanh. Tuy nhiên chính điều này lại giúp con gái trở thành một người biết lắng nghe và luôn cảm thông với người người khác.
Trong trường hợp con gái là người "sống ảo", nếu mẹ không cố gắng thay đổi thì cô gái lớn lên có thể trở thành người ích kỷ và luôn thờ ơ với người khác.
5. Mức độ chối bỏ
Bất kể con gái có nỗ lực thế nào, người mẹ đều thờ ơ và chối bỏ những thành tích của con. Mẹ cũng không bao giờ bày tỏ cảm xúc yêu thương hay tự hào về con. Thay vào đó, họ luôn đặt áp lực muốn con phải đạt được nhiều mục tiêu khó hơn.
Ảnh hưởng: Các cô con gái thường trở nên tự ti, nghi ngờ năng lực của bản thân và sợ hãi sự chú ý của mọi người. Bên cạnh đó, họ cũng khao khát tình yêu thương và sự công nhận của mẹ.
6. Mức độ "cổ động viên"
Người mẹ đóng vai trò là người cổ vũ cho con gái. Mẹ muốn con tận dụng tối đa cuộc sống và trải nhiệm những điều mới.
Bên cạnh đó mẹ rất quan tâm đến cuộc sống của con và đôi khi quên mất những ranh giới cá nhân cần thiết. Họ thường ủng hộ nhưng cũng đòi hỏi con về mặt thành tích. Nhiều khi mẹ mong muốn con đạt thành tích ở một lĩnh vực mẹ muốn chứ không phải điều con thích.
Ảnh hưởng: Con gái có thể mất ý thức cá nhân và sống phụ thuộc vào người khác. Con luôn cần có người ở bên và không tự đưa ra được quyết định.
7. Mức độ độc đoán
Đối với mức độ tình cảm này, người mẹ thường kiểm soát, quản lý con gái quá mức. Mẹ luôn nghĩ rằng con sẽ thất bại nếu không có sự dìu dắt của mình. Vì vậy mẹ không cho con có quyền lựa chọn, không coi trọng lời nói hay ý kiến của con. Mẹ luôn nhân danh vì lợi ích của con để quyết định thay mọi việc.
Ảnh hưởng: Các cô con gái thường hay khắt khe với bản thân, suy giảm lòng tự trọng và không dám bày tỏ suy nghĩ, ý kiến của mình với mọi người. Nhiều trường hợp, họ bị trầm cảm do bị đè nén cảm xúc quá lâu. Tuy nhiên những cô gái này lại rất có trách nhiệm trong các mối quan hệ.