Nếu bạn đã từng vào viện dưỡng lão vào đêm giao thừa, thì bạn sẽ hiểu tầm quan trọng của việc nuôi dạy một đứa trẻ yêu thương bạn.
- Con 7 tuổi, mẹ lần đầu đến trường đón con tan học và câu chuyện xúc động phía sau
- 7 bài học quan trọng phụ huynh nên dạy con gái
Dì Trần, sống tại Quảng Tây, Trung Quốc, vốn là một người phụ nữ thành đạt. Bà làm chức vụ quản lý trong một công ty quốc doanh nên luôn dồn hết thời gian và tâm sức cho sự nghiệp. Bà chỉ có một cô con gái duy nhất là Tiểu Lỵ nhưng vì công việc bận rộn, bà luôn phải gửi con cho bà ngoại nuôi.
Tiểu Lỵ lớn lên nhanh chóng, trở thành một cô gái ưu tú và thi vào công chức. Năm Tiểu Lỵ 25 tuổi, bà ngoại ốm liệt giường. Vì mẹ vẫn đang bận việc nên Tiểu Lỵ không ra ngoài tìm việc, mà nhận trách nhiệm chăm sóc bà ngoại cả ngày. Chăm sóc một người bại liệt hơn một năm cũng rất vất vả nhưng Tiểu Lỵ chưa bao giờ than thở. Họ hàng, bạn bè và hàng xóm đều liên tục khen ngợi cô là đứa trẻ hiếu thảo.
Một vài năm sau, dì Trần đã lớn tuổi nên quyết định nghỉ hưu. Tuy vậy, do quan hệ của hai mẹ con rất lạnh nhạt nên Tiểu Lỵ cũng không dọn về ở với mẹ. Thấy trong nhà chỉ có mình mẹ sống một mình, cô mời một bảo mẫu về phụ giúp công việc và chăm sóc cho bà.
Lại qua một vài năm nữa, dì Trần dần yếu hơn và có những vấn đề sức khỏe. Thấy Tiểu Lỵ vẫn không có ý định về nhà ở chung, dì Trần quyết định vào viện dưỡng lão ở. Tiểu Lỵ chọn cho mẹ một viện dưỡng lão tốt nhất trong khu vực, với đội ngũ điều dưỡng chuyên nghiệp và bác sĩ trình độ cao, cung cấp các dịch vụ rất cao cấp cho người lớn tuổi. Tất nhiên, lệ phí cũng rất cao nhưng Tiểu Lỵ chấp nhận chi trả hết mà không chút chần chừ.
Mỗi tuần một lần, Tiểu Lỵ vào thăm mẹ lúc 8 giờ sáng thứ 7. Đến trưa, cô sẽ rời đi. Tuy nhiên, phần lớn thời gian, hai mẹ con chỉ im lặng. Cô luôn đúng giờ, chưa bao giờ đến muộn hay về sớm, nhưng cũng không đến thăm thường xuyên hơn, không đột nhiên thấy nhớ mẹ mà tới. Điều này khiến dì Trần có cảm giác, con gái đến thăm mình như đang làm nhiệm vụ.
Ngồi đón giao thừa trong viện dưỡng lão, dì Trần nhìn các bạn già khác được người thân đón về nhà ăn Tết mà không ngừng hối tiếc. Bà nhận ra, khi con gái còn nhỏ, bà không ở bên chăm lo mà chỉ dành thời gian cho công việc. Vậy nên khi già rồi, con gái không muốn dành nhiều thời gian bên bà cũng là điều có thể hiểu được.
Cha mẹ và con cái vốn có sợi dây liên kết bằng huyết thống tự nhiên, vốn không thể chặt đứt. Nhưng quan hệ gia đình sẽ bền chặt gắn bó hay xa cách lạnh nhạt đều tùy vào công sức vun vén của mỗi thành viên. Tất cả chúng ta đều yêu thương con cái của mình, nhưng có thể không đúng cách.
Qua đó, người ta nhận ra rằng: Không nhất thiết phải sở hữu 3 đặc điểm này mới là người con có hiếu, nhưng nếu hội tụ đủ, tương lai cha mẹ ắt có thể an hưởng tuổi già, vui vầy bên con cháu.
Vậy 3 đặc điểm đó là gì?
Đầu tiên, con cái thích thân mật với cha mẹ
Phản ứng của trẻ con rất chân thật. Khi nhìn thấy ai đó hoặc thứ gì đó mình thích, trẻ sẽ muốn lại gần. Ngược lại, khi nhìn thấy người mình sợ, trẻ sẽ tự động lùi lại. Trẻ con không biết che giấu cảm xúc của mình nên khi trẻ thích thân mật với cha mẹ, điều này chứng tỏ trẻ rất yêu họ.
Nếu một đứa trẻ sẵn sàng ở bên cạnh bạn bất cứ khi nào rảnh rỗi, có vô vàn điều muốn chia sẻ với bạn, đó chính là tình yêu thương dành cho cha mẹ từ tận đáy lòng. Bản năng của con trẻ sẽ không nói dối.
Thứ hai, hãy nhìn cách trẻ cư xử khi gặp khó khăn
Một người mẹ từng âm thầm làm một bài kiểm tra bằng cách giả vờ ngã xuống, nằm bất tỉnh trước mặt cô con gái một tuổi của mình. Khi chứng kiến điều đó, cô bé đã tập tễnh đi đến bên mẹ, cố gắng gọi và đánh thức mẹ dậy.
Tất cả chúng ta đều sẽ có lúc gặp khó khăn, người lớn cũng như trẻ em. Khi cha mẹ phải đối mặt với khó khăn, việc trẻ có biểu lộ sự lo lắng hay không sẽ là chi tiết cho thấy: Trẻ có quan tâm bạn hay không.
Tất nhiên, khi trẻ gặp khó khăn, trẻ cũng sẽ tìm đến người thân thiết nhất để nhờ giúp đỡ, vì bạn là người mà trẻ tin tưởng nhất. Vì vậy, khi đứa trẻ tìm đến người lớn, đó cũng là biểu hiện của tình yêu thương dành cho bạn.
Cuối cùng, vào những ngày đặc biệt, trẻ có nghĩ đến cha mẹ hay không?
Trong cuộc đời của chúng ta, sẽ có rất nhiều ngày đáng nhớ, sinh nhật, hội hè, ngày kỷ niệm khác nhau. Vào những ngày đặc biệt này, chúng ta thường khao khát nhận được lời chúc phúc của gia đình, đặc biệt là từ người thân.
Nếu đứa trẻ có thể nhớ đúng ngày sinh nhật của bạn, sẵn sàng dành thời gian bên bạn dù bận rộn đến mấy, điều đó có nghĩa là trong lòng trẻ, bạn là một người rất quan trọng.
Tuy mọi người thường nói “Mẫu tử liền tâm”, nhưng tình cảm thân thiết không chỉ duy trì bằng huyết thống. Cảm xúc được vun đắp từng chút một trong thời gian dài. Cha mẹ yêu trẻ, mong muốn đồng hành cùng trẻ nhiều hơn nhưng cần đảm bảo phương pháp đồng hành của mình đúng đắn. Có như vậy, trẻ mới khôn lớn thành người.
*Theo Mother Parenting