Chuyên gia tâm thần học: 4 câu 'vô dụng' cha mẹ không nên nói với con

Bài học làm mẹ 17/07/2023 00:04

Chuyên gia tâm thần học tại Trường Y khoa Đại học George Washington và chuyên gia nuôi dạy con chia sẻ những câu nói 'vô dụng' trong việc rèn luyện tính tự giác của trẻ mà cha mẹ không nên nói.

Willian Stixrud và Ned Johnson là hai chuyên gia nuôi dạy con và đồng tác giả sách "Nuôi Dạy Đứa Trẻ Tự Chủ" đã có tổng cộng 65 năm nghiên cứu và kinh nghiệm làm việc với trẻ em.

Hai chuyên gia nhận thấy rằng có một số câu nói mà các bậc cha mẹ thốt ra với ý tốt, nhưng thực tế hoàn toàn vô dụng trong việc dạy trẻ tính kỷ luật tự giác.

1. "Nếu bây giờ con không làm việc chăm chỉ, con sẽ hối hận cả đời."

 Chuyên gia tâm thần học: 4 câu 'vô dụng' cha mẹ không nên nói với con - Ảnh 1

Gieo rắc nỗi sợ hãi là một trong những cách kém hiệu quả nhất để khơi dậy động lực nội tại ở trẻ. Trên thực tế, điều đó có thể gây bất lợi cho những đứa trẻ. Mỗi khi chúng được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc làm tốt hơn, chúng có thể trở nên căng thẳng và đôi khi né tránh.

Một lý do khác khiến những cụm từ như thế này không hiệu quả là trẻ không hiểu ngữ cảnh nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng. Ví dụ, cố gắng thuyết phục một học sinh lớp bảy tham gia môn bơi lội vì nó sẽ có lợi cho việc xin vào đại học, cũng giống như nói: "Bây giờ con đang học trung học, chúng ta cần bàn về kế hoạch tiết kiệm hưu trí cho con."

Trẻ em không có khả năng suy nghĩ trước theo cách của người lớn. Đây là đặc điểm của trẻ nhỏ.

Cha mẹ có thể làm/nói như sau:

  • Khuyến khích con: "Con chưa thành thạo [việc X], nhưng con có thể cải thiện được. Hãy nhìn xem con đã tiến bộ được rất nhiều rồi!"
  • Giúp con nhìn thấy mặt tích cực: "Đúng, [việc X] khó. Nhưng nếu con tiếp tục luyện tập, con sẽ tự tin hơn để đối mặt với những thử thách tương tự trong tương lai và cảm thấy thoải mái hơn."
  • Tránh nói về trường học: "Cha mẹ biết [môn X] rất khó, nhưng cha mẹ thấy con chơi bóng rất giỏi. Cha mẹ tin là nếu con cố gắng như vậy trong học tập con cũng sẽ thành công."

2. "Nhiệm vụ của cha mẹ là đảm cho an toàn cho con"

Khi trẻ lớn lên và học trung học hay đại học, cha mẹ không thể trông chừng, đảm bảo an toàn cho con cái 24/24 nữa. Cha mẹ không thể luôn ở bên cạnh con và không thể theo dõi mọi hành động của con.

Khi trẻ nghĩ rằng giữ an toàn cho chúng là nhiệm vụ của cha mẹ mà không phải của chính chúng, trẻ sẽ có xu hướng hành động thiếu thận trọng hơn vì  nghĩ rằng luôn có một chiếc lưới an toàn bảo vệ con trong mọi tình huống, song thực tế không phải như vậy.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa là cha mẹ nên im lặng với mọi ý kiến của trẻ; đôi khi bạn cần phải từ chối, phản đối và nói rõ ràng về những rủi ro mà bạn lo con có thể gặp phải.

Cha mẹ có thể làm/nói như sau:

  • Bình tĩnh giải thích lo lắng: "Cha mẹ cảm thấy không thoải mái với điều này, và đây là lý do..."
  • Cho phép con mắc lỗi. Hãy để con tự học từ những bài học khó khăn và sau đó hãy thảo luận với chúng về kinh nghiệm đó để giúp con có cái nhìn sâu sắc hơn.
  • Cùng nhau thảo luận về các nguy hiểm có thể xảy ra: "Cha mẹ có một số lo ngại về [X], nhưng cha mẹ nghĩ con có ý kiến khác. Con có thể cho cha mẹ biết con sẽ xử lý tình huống như thế nào nếu [X] xảy ra vấn đề không?"

3. "Cha mẹ trừng phạt con vì con phải biết rằng hành vi này là không thể chấp nhận được."

Chuyên gia tâm thần học: 4 câu 'vô dụng' cha mẹ không nên nói với con - Ảnh 2

Việc áp dụng hình phạt có thể khiến cha mẹ cảm thấy mình nắm quyền kiểm soát, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp này không chỉ gây tổn hại đến mối quan hệ giữa bạn và con mà còn không hiệu quả trong việc thay đổi hành vi.

Mặc dù hình phạt có thể khiến con ngừng làm việc nào đó trong thời gian ngắn hạn, nhưng nó không thúc đẩy hành vi tích cực hay dạy con biết cách làm điều đúng. Thêm vào đó, khi cha mẹ ngày càng đe dọa, con thường có xu hướng nói dối và che giấu những vấn đề mà chúng có thể cần sự giúp đỡ.

Cha mẹ có thể làm/nói như sau:

  • Nếu con không muốn nghe ý kiến của cha mẹ, đừng ép buộc con. Mục tiêu của bạn là dạy con, điều này chỉ xảy ra khi con thực sự lắng nghe. Nếu cha mẹ giao tiếp một cách tôn trọng, thì sau đó con có thể chủ động tìm bạn nói chuyện: "Cha mẹ cảm thấy buồn về những gì vừa xảy ra và cha mẹ nghĩ rằng con cũng thế. Chúng ta có thể nói chuyện sau về cách giải quyết tốt hơn nếu điều này xảy ra một lần nữa không?"
  • Thảo luận với con, không phải chỉ ra lỗi cho con: "Cha mẹ cần con biết rằng cha mẹ không hài lòng với những gì con đã làm, nhưng cha mẹ cũng thực sự muốn hiểu con nghĩ gì về điều đó."
  • Trước khi áp dụng hình phạt, hãy thảo luận về hậu quả và đảm bảo rằng cả hai đều thống nhất với điều đó. Hãy nói chuyện cụ thể, hợp lý và có chiến lược.

4. "Con xem điện thoại nhiều quá."

Vấn đề với câu nói này là thiếu tôn trọng cách sống của con trong thế giới của con - một thế giới khác biệt nhiều so với thế giới của bạn.

Mạng xã hội và trò chơi điện tử là phiên bản hiện đại của những trò chơi giải trí mà các bậc cha mẹ từng say mê khi còn nhỏ, và bạn sẽ không hài lòng nếu ai đó nói rằng chúng ta nên loại bỏ những trò giải trí đó khỏi cuộc sống.

Ngoài ra, cha mẹ nên giúp con quản lý cách sử dụng công nghệ, bởi công nghệ thực sự có thể mang lại lợi ích.

Cha mẹ có thể làm/nói như sau:

  • Tăng sức ảnh hưởng bằng cách quan tâm đến những sở thích của con. Hỏi về những trò chơi con thích, những người con theo dõi, cá chương trình con xem, những cuốn sách con đọc - và thi thoảng tham gia cùng con.
  • Đưa ra lý do cho con tắt điện thoại: "Cha mẹ thấy con chưa dành thời gian với cha mẹ từ khi đi học về đến giờ. Con có muốn cùng cha mẹ đi nhà sách mua vài cuốn sách mới không?"
  • Hỏi con cần bao lâu để hoàn thành công việc con đang làm: "Cha mẹ không muốn ngăn cấm con [X], nhưng cha mẹ cũng muốn con sử dụng điện thoại một cách cân bằng và hợp lý."

(Theo CNBC)

Cha tốt không dùng tiền "mua tình yêu của con" sau ly hôn

Để trở thành một người cha tốt sau khi ly hôn, ngay cả khi con chỉ ở bên bạn vào cuối tuần, mỗi tháng một lần, hoặc chỉ vào những ngày lễ, đừng từ bỏ vai trò làm cha của mình.

TIN MỚI NHẤT