Mới 3 tuổi nhưng Măng đã có thể tự làm rất nhiều việc như rán bánh, rửa bát, phân loại áo quần bỏ vào máy giặt...
Chị Ngọc Hà (31 tuổi, sống tại Hà Nội), vốn là một bà mẹ toàn thời gian và dành nhiều tâm huyết vào quá trình nuôi dạy hai cậu con trai nhỏ là Măng (3 tuổi) và Mía (1 tuổi) mỗi ngày. Chị quan niệm rằng làm mẹ cũng là một nghề, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, kiên trì, sự hiểu biết mà nếu không đủ yêu thương, nhiều người sẽ dễ dàng bỏ cuộc.
Chị Hà quan niệm, phải chỉ bảo cho con sớm từ những năm tháng đầu đời để hình thành thói quen, tính cách cho con sau này, đặc biệt là rèn tính tự lập. Vậy nên, chị không ngại vất vả, không ngại mang tiếng là “mẹ Mìn” và dành thời gian để rèn cho bé Măng làm việc nhà từ sớm. Đến nay, khi Măng mới 3 tuổi đã có thể… tự làm bánh và thưởng thức thành quả của mình. Chứng kiến điều này, không ít người phải ngạc nhiên.
Măng tự chuẩn bị nguyên liệu, đập trứng, khuấy bột và rán bánh dưới sự quan sát của mẹ.
Với việc làm bánh yến mạch cho bữa sáng, Măng được mẹ hướng dẫn từng công đoạn, mỗi hôm một ít từ việc xúc bột cho đến đập trứng, cách rán bánh… Và chỉ qua vài lần thì con quen việc, đến khi bắt tay vào làm thực sự, con chỉ cần lắp ráp từng công đoạn lại với nhau. Thực hành đến lần thứ 3, Măng đã có thể tự rán bánh một cách thành thạo rồi dọn ra thưởng thức nóng hổi.
Ngoài rán bánh, cậu bé 3 tuổi còn có kha khá kinh nghiệm tự chăm sóc bản thân, có thể kể đến như tự ngủ, tự ăn, tự chơi, tự lấy áo quần, mặc đồ, cất dọn đồ chơi, đánh răng, rửa mặt… và biết giúp mẹ rửa bát, nhặt rau, mang bỏ áo quần vào máy giặt…
Hãy cùng nghe quan niệm cũng như bí quyết của chị Hà rèn con làm việc nhà từ khi còn rất nhỏ:
Chào chị! Chị nghĩ như thế nào về việc cho con làm việc nhà từ sớm? Như thế liệu có "bóc lột" con không?
Mình chỉ nghĩ đơn giản rằng nên tập cho con làm việc nhà từ sớm, để con rèn được tính tự giác, tự lập và sau này có thể chủ động về mọi thứ trong cuộc sống. Thế nên, dù cho có những việc mà người lớn “nhắm mắt cũng làm được” thì mình vẫn muốn nhờ con làm, từ đó trao cho con quyền được trải nghiệm, hào hứng, thích thú và rèn được sự khéo léo của đôi tay.
Còn hai từ “bóc lột” thì có lẽ là cách nói quá của ông bà nhà mình khi thấy thương cháu thôi. Vì ông bà nhìn một đứa trẻ bé xíu loay hoay mặc quần, tháo giày dép xếp gọn vào giá, muốn ăn bánh kẹo phải tự đi lấy kéo cắt vỏ, bê giỏ quần áo bẩn đi phân loại, bỏ vào máy giặt... thì “xót” lắm. Nhưng sau khi mình giải thích kỹ cho ông bà thì lại nhận được sự ủng hộ cách mình dạy con.
Chị bắt đầu rèn cho con làm việc nhà từ khi nào? Cụ thể là làm những việc gì?
Mình rèn cho con “tự lập từ trong nôi”, khi ấy con tự ngủ rất tốt, tự chơi cũng rất ngoan. Đến giai đoạn ăn dặm, con được ăn bốc để tập kỹ năng tự ngồi ăn. Khi biết đi, con tập bỏ bỉm vào thùng rác. Lớn hơn một chút, con học cách rót nước từ bình, lấy quần áo, khăn tắm khi đi tắm, lấy balo và giầy dép khi đi học... Nếu con muốn ăn bánh kẹo thì mình cho con quản lý hộp bánh kẹo và tự mở tự đóng mỗi khi ăn.
Sau đó, mình nhờ con giúp đỡ mẹ nhiều việc lớn hơn như đổ rác, phân loại quần áo cho vào máy giặt và nhờ con lấy các món đồ khi cần. Mình cũng cho con cùng làm bếp với mẹ, để tranh thủ nhờ con làm nhiều việc vặt, phù hợp lứa tuổi của con như: xúc bột, đập trứng, nhặt rau,... thậm chí là rửa bát nữa. Mình từng xem clip một em bé chỉ khoảng 2 tuổi rửa bát rất giỏi nên rất mạnh dạn nhờ Măng rửa bát hộ mẹ.
Trong quá trình rèn con làm việc nhà, chị có gặp vấn đề rắc rối hay khó khăn nào không? Chị đã giải quyết như thế nào?
Có chứ, nhất là khi Măng là một em bé có cá tính mạnh và rất hay nóng giận. Con thường phản ứng rất mạnh khi không hài lòng, có thể lăn đùng ra ăn vạ bất chấp thời điểm nào. Trong quá trình tập làm việc nhà cũng vậy, con cáu khi rót nước làm đổ ra ngoài, la hét vì không xỏ được giầy, hậm hực khi dọn mãi không hết chỗ đồ chơi, rồi nản khi bê đồ nặng trên quãng đường dài, không vặn được nắp đồ...
Nhưng mình đã rất kiên trì, nhẹ nhàng giải thích, thuyết phục con. Và mức độ phản ứng thái quá của con giảm dần. Khi thấy sự tiến bộ của con, mình lại thủ thỉ xoa dịu, chỉ dẫn, phân tích cho con lý do tại sao con thất bại. Và sau cùng là động viên, nói lời yêu thương với con.
Chị có lời khuyên nào cho các bố mẹ khác khi cũng muốn rèn con làm việc nhà từ nhỏ giống như mình không?
Vẫn là 5 chữ quen thuộc “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, bố mẹ đừng kỳ vọng quá nhiều để tạo áp lực lên con. Các em bé thích bắt chước nên bố mẹ cần làm gương cho con cái. Khích lệ đúng lúc sẽ truyền cảm hứng cho con rất nhiều bởi trẻ rất muốn lặp lại hành động tốt nếu như được tán thưởng.
Mình thường trì hoãn mỗi khi con nhờ vả mẹ và khuyên con làm lại thêm lần nữa. Sau mỗi lần như vậy, con thành công thì mình đều khen con: “Con thấy không, chỉ cần thêm chút thời gian là mình sẽ làm rất tốt mà!”. Nếu con vẫn không làm được mình sẽ giúp đỡ, chỉ dẫn chút xíu rồi để con tiếp tục hoàn thành.
Một điều nữa rất quan trọng để giúp con quen với các nề nếp, thói quen tốt và công việc nhà, là tổ chức hoạt động trong ngày theo trật tự. Điều này giúp con biết được việc gì đang đợi mình ở phía trước và cố gắng để hoàn thành.
Cuối cùng, mình muốn tặng các mẹ một ý rất hay: “Tình thân vĩ đại nhất là biết buông tay đúng lúc. Tình yêu chân chính kỳ thực lại là bớt yêu và kiểm soát. Hãy để họ được là chính mình”.
Cảm ơn chị về những chia sẻ rất bổ ích. Chúc chị luôn vui vẻ, hạnh phúc trên hành trình nuôi dạy con của mình!