Bỏ túi cho mẹ bộ công thức 10 cách tránh gù lưng cho trẻ khi sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều trong thời buổi công nghệ tràn ngập như ngày nay.
“Thế hệ cúi đầu” đang trở thành một cụm từ vô cùng phổ biến trong xã hội ngày nay, phản ánh tình trạng sử dụng quá nhiều các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính. Chẳng cần nhìn đâu xa, các em bé trong nhà chính là lời cảnh báo thực tế nhất cho cha mẹ bởi điện thoại đối với các con giờ đây không còn chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải mà đã trở thành một thói quen khó vứt bỏ. Những tác hại thì khôn lường sau này khiến cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm và can thiệp để có các cách tránh gù lưng cho trẻ kịp thời.
Trẻ đang bị gù lưng do sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều
Các con ngày càng nghiện các thiết bị điện tử, đến nỗi sẵn sàng bỏ ra hàng giờ đồng hồ ngồi gập người trên ghế, dán mắt vào chiếc điện thoại. Thế nhưng, không may rằng nhiều bé chẳng nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng đang rình rập tới hiệu quả cổ và cột sống của mình như thế nào. Cứ thế ngày này qua ngày khác các con nghiền ngẫm điện thoại khiến cho tỉ lệ gù lưng ở trẻ em gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là trong học sinh và thanh thiếu niên.
Mẹ hãy hình dung một đứa trẻ ngồi cúi gằm đầu xuống nhìn điện thoại trong hàng giờ đồng hồ sẽ bị tác động xấu ra sao tới xương cổ và cột sống? Chắc chắn bọn trẻ sẽ phải kêu than, khổ sở vì nỗi đau lưng, cổ, vai và thậm chí cả đầu. Nếu nghiêm trọng hơn, xương của các con còn có nguy cơ bị thoái hóa vĩnh viễn.
Xét trên phương diện tâm lý của trẻ, tình trạng này còn có thể khiến con bị lo âu và trầm cảm nghiêm trọng. Trong khi đó, tinh thần của cha mẹ lại hồi hộp, bất an trước nỗi lo sợ con tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy và những người lạ không quen biết trên cộng đồng mạng.
Nguyên nhân trẻ bị gù lưng do sử dụng điện thoại nhiều
Cuộc khảo sát gần đây của ComRes cho Channel 4 News còn chỉ ra rằng trẻ em đang dành trung bình đến gần 3 giờ một ngày ngồi trước màn hình chơi game, xem video từ YouTube và khắp các mạng xã hội.
Bác sĩ Sammy Margo từ Hội vật lý trị liệu của Anh khẳng định rằng: "Khi các bé cúi gằm mặt đến mức cằm chạm hẳn vào ngực sẽ khiến cho toàn bộ cấu trúc bị kéo căng. Rồi khi cộng hưởng với lối sống trây ì, lười vận động sẽ tạo ra cho bé những hậu quả khôn lường".
Cổ của các bé có tác dụng nâng đỡ và gánh chịu toàn bộ sức nặng của phần đầu, cho nên, chỉ cần nghiêng sai tư thế thì chiếc cổ nhỏ bé của con sẽ phải gánh thêm trọng lượng tương đương với hẳn 4 cái đầu nữa. Khi bị nghiện điện thoại, bé còn cúi đầu quá lâu, tạo góc hẳn 60 độ khiến cột sống hứng chịu một trọng lượng gấp hẳn 5 lần bình thường (tương đương khoảng 27kg).
Mẹ cứ tưởng tượng như vậy sẽ thấy rằng cột sống của trẻ phải chịu một áp lực lớn đến nhường nào và hiểu rõ hơn tại sao chúng lại gặp phải những tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể như vậy.
- Thường xuyên đau mỏi vai gáy, đau đầu và co cứng cơ vùng lưng và vai gáy.
- Khi đám rối thần kinh ở cánh tay bị chèn ép, sẽ gây tê bì và đau từ cổ qua vai rồi xuống tay cho bé.
- Nghiêm trọng hơn bé còn bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống cổ và chèn ép tủy cổ gây liệt chân, tay. Thậm chí, nguy hiểm hơn còn gây rối loạn chức năng hô hấp.
- Trẻ sẽ có nguy cơ bị tổn thương cột sống cổ vĩnh viễn, đau nhức suốt đời nếu như dùng điện thoại sớm, sai tư thế cổ quá nhiều.
Cách tránh gù lưng cho trẻ
1. Tránh cho trẻ sử dụng máy tính, điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác trong khi ngồi, nằm trên giường.
2. Thiết lập một lịch trình khoa học sử dụng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử cho con. Không nên sử dụng quá nhiều.
3. Rèn bé giữ thẳng cổ trong những hoạt động thường ngày, tránh gập cổ quá lâu.
4. Khuyến khích con vận động và tham gia sinh hoạt ngoại khóa để rèn luyện thể chất, loại bỏ tính trì trệ.
5. Nếu sử dụng điện thoại, các thiết bị di động thì nên giữ chúng ở ngang tầm mắt để không phải cúi xuống hoặc tập đưa mắt nhìn xuống, tránh phải gập cổ.
6. Tập thói quen nghỉ ngơi sau 20-30 phút sử dụng thiết bị, kết hợp đi lại và các bài tập thư giãn cho xương cũng như cột sống của trẻ.
Ngoài ra cũng nên “cẩn tắc vô áy náy” với những hành động khiến con bị gù lưng sớm khi còn chưa tiếp xúc với "virus" điện thoại thông minh và nguy hiểm này.
7. Hạn chế bế bé nằm thẳng người quá sớm trong 3 tháng đầu đời vì lúc này xương sống còn khá mềm. Nếu bế thẳng người thì xương sống của bé sẽ bị đè nén, khiến phát triển bị dị dạng. Đồng thời vùng cổ có thể bị tổn thương do trọng lượng phần đầu dồn hết xuống xương cổ.
8. Tránh ôm con không rời tay vì sẽ khiến bé có cảm giác ỷ lại và làm xương cột sống bị lệch, gù lưng.
9. Cho bé tập ngồi quá sớm (trước 6 tháng tuổi) sẽ khiến trọng lượng cơ thể dồn xuống, dễ dàng bị cong vẹo.
10. Bé ngồi xe đẩy sớm và thường xuyên khi chưa đủ 6 tháng tuổi cũng có thể bị còng lưng và vẹo cột sống.
Tóm lại, xu hướng sử dụng điện thoại quá nhiều đang ngày càng trở nên phổ biến và trẻ hóa ở độ tuổi học sinh. Vì vậy, nhận biết sớm những nguy cơ rình rập cho sức khỏe và hoạch định trước cách chống gù lưng cho trẻ chính là mẹ đang giúp con tạo dựng lối sống khỏe mạnh.