Vì không thấy bà nhường thịt bò cho mình như mọi ngày, bé trai đã oà khóc và đập bát mì của bà.
- 6 thói quen của bố mẹ khiến trẻ mắc hội chứng "con nhà giàu"
- Cho trẻ quá 5 món đồ là vô tình hại con
Câu chuyện đầy thấm thía dưới đây sẽ trở thành một bài học cho rất nhiều cha mẹ. Họ sẽ thấy bóng dáng của mình trong câu chuyện. Và nếu như bạn không muốn một ngày nào đó, chính cách yêu thương sai lầm dẫn đến một tương lai đầy bi kịch cho con, thì hãy thay đổi cách yêu con ngay từ lúc này.
Những ngày qua, mạng xã hội Trung Quốc, một đất nước châu Á có nhiều nét văn hóa và thói quen khá tương đồng với Việt Nam đã chia sẻ rầm rộ một câu chuyện. Chuyện là, khu phố đó có một nhà hàng phở bò mới mở. Vì biết cháu trai rất thích ăn nên bà Xu đã thường xuyên đưa cháu tới quán để ăn phở bò. Mỗi lần gọi, bà thường sẽ ăn mì và nước, dành hết thịt bò, cắt nhỏ ra bỏ vào bát cháu. Bà nhìn cháu ăn ngon lành và mỉm cười hạnh phúc: “Bây giờ con đang tuổi ăn tuổi lớn, con phải ăn nhiều thịt hơn”.
Thế rồi trong một lần, bà Xu cảm thấy việc cho thịt sang hai bát rồi bà lại phải chuyển cho cháu thật rắc rối, vì thế, bà đã nói với ông chủ cho hết phần thịt ở bát của bà sang bát cháu ngay từ khi chế biến. Khi 2 bát mì được bê lên, cậu bé không thấy bà nhường thịt sang bát mình như mọi khi nên đã gào lên:
- Bà, thịt ở bát của bà đâu, cho cháu!
Bà Xu nói với cháu rằng toàn bộ thịt ở bát bà đã chuyển sang cho cháu từ trước rồi, thế nhưng cậu bé không tin. Nó gào khóc, lấy đũa chọc ngoáy khắp bát của bà để tìm thịt cho sang bát mình. Khi không thấy, cậu bé òa khóc và cho rằng bà đã ăn hết mà không nhường mình. Cậu bé thậm chí còn đập luôn bát mì của bà vì không được như ý. Cuối cùng, không còn cách nào khác, bà đành gọi một thêm một bát và bắt đầu làm theo quy trình bình thường là gắp thịt nhường cho cháu.
Không còn nghi ngờ gì về tình yêu mà bà dành cho cháu, nhưng loại tình yêu này có thực sự tốt? Bây giờ, cậu bé còn nhỏ và việc một bát mì không làm thỏa mãn nhưng khi lớn lên thì sẽ ra sao?
Nhà giáo dục người Pháp Rousseau từng nói: "Bạn có biết phương pháp nào bạn có thể sử dụng để biến con bạn thành một người bất hạnh không? Đó chính là phương pháp tuân lệnh con một cách vô điều kiện”.
Mọi người đều muốn con mình sống hạnh phúc và vô tư, nhưng tình yêu quá mức sẽ trở thành một liều “thuốc độc” và nó có khả năng hủy hoại cả cuộc đời đứa trẻ.
Cách đây không lâu, báo chí Trung Quốc cũng đã đưa tin, người đàn ông ngoài 30 tuổi đã đánh lại mẹ mình. Ngay giữa đường phố, ông ta vòi vĩnh mẹ phải cho mình 20.000 nhân dân tệ, nhưng mẹ anh ta không thể có được. Vì vậy, trong cơn thịnh nộ vì không được đáp ứng nhu cầu, người đàn ông này đã bế mẹ lên cao rồi quật xuống đường. Sau khi người mẹ ngã xuống đất, anh ta hét lên và xin tiền. Thậm chí hắn cởi áo ném phăng ra đất rồi kéo cổ áo mẹ lôi đi để vòi cho bằng được.
Sau khi bị cảnh sát tuần tra chặn lại, người đàn ông miễn cưỡng buông mẹ ra, rồi tìm thấy một cây chổi trên đường định đuổi theo mẹ. Nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên là khi hai người được đưa trở lại đồn cảnh sát, người mẹ đã cầu xin cảnh sát đừng bắt con trai mình, nói rằng cô vẫn ổn và không bắt con trai phải chịu trách nhiệm.
Bởi vậy người ta thường nói, làm cha mẹ, thất bại lớn nhất là coi con như ông hoàng!
Nhà văn người Mỹ Orrison Sweet Maden đã nói trong cuốn sách "Sự giàu có của tâm hồn": "Tâm trí là nguồn năng lượng duy nhất. Chỉ có sự phong phú của tâm trí mới có thể đạt được hòa bình, niềm vui, hạnh phúc và tình yêu!". Một đứa trẻ giàu có bên trong, một đứa trẻ có khả năng đạt được hòa bình, niềm vui, hạnh phúc và tình yêu, phải xuất sắc hơn trong tương lai so với những người được tình yêu chiều chuộng.
Vậy rốt cục, cha mẹ nên trao cho con những gì?
Biết ơn và hiểu cha mẹ
Cha mẹ quá yêu thương sẽ chỉ phát triển một đứa trẻ ích kỷ và thờ ơ và không biết cách biết ơn. Cuối cùng, nó sẽ không chỉ khiến bố mẹ phải khổ mà còn gây hại cho trẻ.Tình yêu sẽ chỉ có ích khi mang lại cảm giác xứng đáng. Hãy để cho con cảm thấy rằng cha mẹ yêu thương chúng nhưng cũng cần phải có sự tôn trọng trở lại.
Tâm lý tốt, đừng đổ lỗi
Có một câu nói ở phương Tây: "Nếu bạn muốn mở một thiên đường, điều đầu tiên bạn phải làm là không bao giờ được nghĩ đó là địa ngục”. Tương tự như vậy, những đứa trẻ giàu sống tích cực, luôn tràn đầy hi vọng, niềm vui sẽ không bao giờ bi quan, tuyệt vọng thì dẽ dàng hạnh phúc hơn.
Tự quyết và độc lập
Nhà giáo dục Montessori nói: Chúng ta đã quen phục vụ trẻ em, đây không chỉ là sai lầm và là mối nguy hiểm cho chúng. Điều này sẽ khiến đứa trẻ phát triển thói quen phụ thuộc, và thậm chí trở thành một đứa trẻ to xác ngay cả khi chúng đã lớn. Chúng chỉ già đi về tuổi chứ không hề có sự trưởng thành.
Tất cả cha mẹ đều mong muốn mang đến những điều tốt đẹp cho con cái, nhưng quá nhiều tình yêu có thể là “thuốc độc” với trẻ. Bởi vì dù giàu có, yêu thương con đến cỡ nào thì bạn cũng không thể là nơi “trú ẩn” cho con suốt cả cuộc đời. Vì vậy, nếu nghĩ cho con, xin hãy kiềm chế tình yêu của bạn. Thay vì thỏa mãn vô tận, tốt hơn là cho trẻ phát triển thực sự, để trẻ hiểu những khó khăn, dạy trẻ trân trọng những món quà và sự giàu có, và hướng dẫn trẻ em dựa vào sự siêng năng và chăm chỉ.
Đây là tình yêu tốt nhất cho trẻ em!