Cha mẹ hãy ghi nhớ và dạy con mình 7 kỹ năng sống đơn giản nhưng quan trọng dưới đây để trẻ luôn biết bảo vệ bản thân mình.
1. Bơi lội
Theo Hiệp hội Bảo Vệ Cuộc Sống Hoàng Gia, Mỹ, đuối nước là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở trẻ em. Thế nên, không bao giờ là quá sớm để bạn bắt đầu đăng ký học bơi cho trẻ. Không chỉ thế, học bơi còn là kỹ năng sống xây dựng sự tự tin, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất.
Học bơi không chỉ tốt cho sự sức khỏe, cho sự phát triển toàn diện thể chất, mà còn giúp trẻ tự tin cứu mình cứu người khi gặp tình huống nguy hiểm.
Tuy nhiên, độ tuổi lý tưởng nhất để học bơi là khi bé gái từ 5-8 tuổi, và bé trai từ 6-9 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ dễ dàng học thuần thục các kỹ năng bơi. Bạn lưu ý đừng bỏ lỡ thời điểm vàng cho con mình học bơi.
2. Học cách sơ cứu
Thông thường, trẻ em sẽ là người đầu tiên phát hiện ra một đứa trẻ khác đang gặp tai nạn, và nếu con bạn biết phải làm gì trong tình huống khẩn cấp đó thì có thể trẻ sẽ cứu giúp được người bị nạn. Đó là lý do tại sao Hội Chữ thập đỏ khuyến khích tất cả trẻ em từ 6 đến 11 tuổi nên được học các kỹ năng sơ cứu cần thiết như: bỏng, chảy máu mũi, mắc nghẹn, gãy xương, hen suyễn hay bị dị ứng. Đừng lo lắng rằng mình không có tài liệu để dạy con, bạn có thể mua sách hoặc tải những đoạn video hướng dẫn cách sơ cứu ở trên mạng về dạy cho trẻ.
3. Nhớ số điện thoại khẩn cấp
Cha mẹ hãy cho trẻ học thuộc lòng những số điện thoại khẩn cấp để trong tình huống nguy hiểm trẻ biết mình nên làm gì.
Sẽ chẳng bao giờ là quá sớm để dạy cho trẻ biết về các số điện thoại khẩn cấp như: cảnh sát gọi 113, cứu hỏa gọi 114, hay cấp cứu gọi 115. Nếu giả sử trẻ còn quá nhỏ để có thể nhớ hết 9 con số trên phím điện thoại thì bạn chỉ cần dạy trẻ vài con số cần thiết: số 1,3,4,5 và dạy trẻ cách bấm. Còn nếu trẻ đã đủ lớn để nhận biết mặt số, bạn nên dạy trẻ thêm về số điện thoại của cha mẹ, người thân, và cách thực hiện cuộc gọi.
Hãy luôn nhắc trẻ khi nói chuyện điện thoại thì nên nói to, chậm, rõ ràng, bình tĩnh trình bày sự việc một cách ngắn gọn để người nghe có thể biết được chuyện gì đang xảy ra, xảy ra ở đâu để kịp thời đến ứng cứu.
4. An toàn giao thông đường bộ
Theo Hiệp hội Phòng chống tai nạn Hoàng Gia, Mỹ, tai nạn đường bộ là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em. Vì trẻ em dưới 9 tuổi không thể ước chừng được khoảng cách và tốc độ chính xác của các phương tiện lưu thông trên đường khi chúng tự băng qua đường một mình. Vì vậy, bạn nên bắt đầu dạy trẻ về an toàn giao thông đường bộ càng sớm càng tốt, ngay trước khi bé tròn bốn tuổi.
Cha mẹ nên chỉ dạy cho trẻ những kiến thức về an toàn giao thông đường bộ.
Có 5 bước để dạy trẻ về an toàn giao thông đường bộ như sau:
- Tìm nơi an toàn nhất để băng qua đường, tốt nhất là đi trên vạch kẻ dành cho người đi bộ.
- Dừng lại quan sát các phương tiện sau khi bước chân xuống lòng đường.
- Nhìn xe ở hai bên chiều trái, phải.
- Nếu có xe gần đến, hãy để cho nó đi qua.
- Khi đã an toàn thì đi thẳng qua đường, tuyệt đối không được chạy.
5. Người lạ nguy hiểm
Bạn hãy thường xuyên nói chuyện với trẻ về những nguy hiểm mà người lạ có thể gây ra cho trẻ, ví dụ bắt cóc hay lạm dụng tình dục chẳng hạn. Đồng thời, bạn phải hướng dẫn trẻ nếu cảm thấy không an toàn hãy tìm ngay đến công an, chú bảo vệ hoặc một người nào đó mà trẻ tin tưởng để nói chuyện.
Không những không được nhận bánh kẹo của người lạ, mà trẻ còn phải biết từ chối không lên xe hoặc theo người lạ đi bất cứ đâu.
Một số quy tắc cơ bản mà mọi trẻ em cần phải biết:
- Không bao giờ nhận quà tặng hoặc đồ ăn từ một người lạ.
- Không bao giờ lên xe của người lạ.
- Không bao giờ đi bất cứ đâu với người lạ.
- Không bao giờ được phép tự mình đi với một ai đó mà không thông báo với cha mẹ hoặc thầy cô giáo biết.
Khi tình huống xấu nhất xảy ra, trẻ phải hét to, chạy trốn, và nói ngay chuyện này với cha mẹ hoặc người lớn đáng tin cậy ngay lập tức.
6. Quy tắc đồ lót
Quy tắc đồ lót (PANTS ) là quy tắc dành cho trẻ từ 4 đến 11 tuổi, và rằng những bộ phận nằm trong khu vực đồ lót là khu vực riêng tư, trẻ không được để bất cứ ai chạm vào.
Hãy luôn nhắc nhở trẻ nhớ về quy tắc này, không phải chỉ nói một lần mà bạn phải lặp đi lặp lại nó hàng ngày: trong khi tắm, mặc quần áo cho trẻ,…
7. Đi xe đạp
Ngoài học cách đi xe đạp an toàn, cha mẹ nên cho trẻ đội mũ bảo hiểm.
Đi xe đạp là một cách tuyệt vời để trẻ tập thể dục và học tính độc lập. Thế nhưng theo thống kê của Quỹ Bảo vệ tai nạn trẻ em, Mỹ, có khoảng 85 trẻ em từ 8 đến 11 tuổi bị tử vong do tai nạn xe đạp mỗi năm. Do đó, họ khuyến cáo rằng trẻ em không nên đi xe đạp cho đến khi được hướng dẫn đi đúng cách.
Bạn nên dạy trẻ những kỹ năng cần thiết khi đi xe đạp như đi chậm, sát lề đường, quan sát khi quay đầu xe… Nhưng điều quan trọng nhất bạn cần phải nhớ là luôn cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp.