Làm cha mẹ đã khó, làm cha mẹ tốt lại khó hơn. Với 7 bí quyết sau đây sẽ giúp bạn tự tin hơn để dạy con lớn khôn nên người.
- 4 phương pháp giúp cha mẹ cai điện thoại cho con hiệu quả
- 5 điều bố mẹ tuyệt đối không nên cấm đoán nếu muốn tốt cho tương lai của con
1. Không nên so sánh con
Cha mẹ mong con lớn lên mạnh khỏe, học giỏi, xinh đẹp là chính đáng. Nhưng dường như khi cha mẹ kỳ vọng thái quá nên hay đưa con ra so sánh với người khác.
Từ lúc sinh ra, con mình đã bị cha mẹ đưa ra so sánh với con hàng xóm về cân nặng, về các mốc phát triển. Ví dụ như tại sao con người ta biết bò, biết đi, biết nói sớm mà con mình thì không.
Lớn lên chút nữa, các con lại bị so sánh về chiều cao, khả năng học tập, rồi con người ta sao ngoan thế, con mình càng lớn càng... lì.
Nếu thường xuyên so bì con mình với bạn bè, cha mẹ sẽ khiến con có cảm giác tự ti, nhút nhát, thậm chí ngày càng lầm lì, ít nói.
2. Cha mẹ làm gương cho con trước
Tác giả cuốn sách The No-Cry Discipline Solution: Gentle Ways to Encourage Good Behavior Without Whining, Tantrums & Tears (Phương pháp dạy con không nước mắt: Những cách nhẹ nhàng khuyến khích con có hành vi tốt mà không rên rỉ, ăn vạ và khóc lóc), Elizabeth Pantley cho rằng các con của bạn bắt chước rất nhanh hành động của cha mẹ.
Chúng có thể bắt chước từ việc làm sao cha mẹ kiểm soát được căng thẳng, cách chào hỏi với mọi người hay cư xử giữa vợ chồng, cha mẹ với nhau.
Vì thế, để dạy con trở thành người tốt, cha mẹ hãy làm gương cho con trước về hành động, lời ăn tiếng nói.
3. Hãy để cho con được sai lầm
Cha mẹ mong con lớn lên hoàn hảo nhưng đừng nóng vội mà không cho con được trải nghiệm được mắc lỗi.
Nếu con đang chơi xếp hình tòa tháp mà lỡ vẫn bị đổ thì cha mẹ cũng đừng vội la mắng con, cho rằng con không "sáng dạ". Rồi dần dần con sẽ xếp được qua những lần làm sai.
Theo Giáo sư, tiến sĩ Christopher Lucas ở trường Đại học New York, cha mẹ hãy để cho con học từ những sai lầm của mình hơn là ngồi giải thích từng li từng tí tại sao lại sai và nên làm như thế nào.
Hơn thế nữa, qua những sai lầm đó, bé sẽ hiểu được cảm giác thất vọng là gì và đó là cách cha mẹ có thể rèn luyện cho con về cảm xúc.
4. Cha mẹ nên cân nhắc việc sử dụng thực phẩm để làm dịu hoặc làm phần thưởng cho con
Cha mẹ thường hay đưa bánh kẹo hoặc những thứ chúng thích ra để xoa dịu con trẻ. Đến cả những bé con cũng cần bình sữa để thỏa cơn đói thì đến những trẻ lớn hơn, chúng cũng biết cách ăn vạ cha mẹ, không cách này thì cách khác.
Nhưng hãy cân nhắc đưa các đồ ăn ra dụ dỗ chúng. Bởi vì qua những lần ăn vạ đó, con có thể cảm thấy giá trị các thực phẩm kia còn hơn cả những cái ôm, nụ cười của cha mẹ.
Giả sử như trong cửa hàng tạp hóa, con khóc lóc đòi đủ thứ và nín nếu cha mẹ cho con 1 chiếc bánh quy thì có thể được. Nhưng nếu con có thành tích tốt, được khen ở trường, cha mẹ hãy dành cho con sự âu yếm nhất định và nụ cười hạnh phúc trên môi thay vì cho con cả 1 gói bánh to đùng để khen con.
5. Cha mẹ đừng vội vàng quát nạt con khi con làm trái ý
Có lẽ cha mẹ cũng "phát điên" vì các con luôn làm trái ý mình. Nhưng liệu đã bao giờ cha mẹ tự hỏi vì sao các con lại phá vỡ những quy tắc cha mẹ đưa ra hay chưa?
Rất có thể con không nghe lời là do đang mất kiểm soát cảm xúc của mình. Đó là điều cha mẹ nên tìm hiểu. Hãy hỏi con những câu hỏi và đưa ra giải pháp.
Đôi khi sự nhẹ nhàng, một cái ôm ấm áp trấn an con còn hơn cả đòn roi mà cha mẹ đưa ra.
6. Hãy tin tưởng ở bản năng làm cha mẹ của mình
Có nhiều người không tự tin ở khả năng làm cha mẹ của mình. Vì họ đã cố gắng rất nhiều trong việc lựa chọn thực đơn cho con mà con vẫn còi cọc, cho con học trường nọ, lớp kia mà con vẫn không tiến bộ, rồi dù có đủ đầy nhưng vẫn chưa bằng người ta...
Nhưng theo chuyên gia tâm lý, bạn nên tự tin ở khả năng làm cha, làm mẹ của mình. Bởi "không ai hiểu con bằng cha mẹ".
Khi nhìn vào con mình, bạn có thể thấy con có một chút kém cỏi so với các bạn khác về ngoại hình, về khả năng học tập, nhưng đừng quên rằng bản năng mách bảo con bạn có thể làm được nhiều hơn thế và con sẽ thành công nếu nỗ lực hơn.
7. Hãy sẵn sàng đón nhận những thay đổi của con
Làm cha mẹ thật sự không hề dễ dàng vì từ lúc sinh ra đến khi con trưởng thành có bao nhiêu sự đổi thay mà cha mẹ cần phải thích nghi. Vì vậy, để sẵn sàng làm cha mẹ tốt nhất cho con, hãy chuẩn bị tâm lý đón nhận những sự thay đổi trong đời con.
Ví dụ như từng giai đoạn, con sẽ phát triển về thể chất và tinh thần. Nếu cha mẹ không trang bị tốt kiến thức của mình, họ sẽ bỡ ngỡ và có thể cư xử sai lầm khi con có những thay đổi đó.