Nuôi dạy con nên người là mục tiêu của bất cứ bậc phụ huynh nào. Để con có thể thành công, cha mẹ nên ép con làm 10 việc này càng sớm càng tốt.
- Đạp xe chở con gái 4 tuổi đi 4000km để dạy con tính kiên trì
- Đừng cố dạy con phải biết chia sẻ khi còn quá nhỏ
William James – nhà tâm lý học người Mỹ từng nói: “Gieo một hành động sẽ thu lại được một thói quen, gieo một thói quen sẽ thu lại được một tính cách và gieo một tính cách sẽ thu lại được một vận mệnh.”
Đại ý là tương lai của mỗi người thành công hay thất bại phụ thuộc vào tính cách của chúng ta. Mà khởi nguồn của tính cách chính là thói quen. Thói quen tốt sẽ hình thành tính cách tốt và ngược lại. Sức mạnh của thói quen mạnh hơn rất nhiều so với suy nghĩ của chúng ta, nó có thể đưa một người lên thiên đường nhưng cũng có thể tiễn một người xuống địa ngục.
Thói quen của mỗi người không phải khi lớn lên mới có mà hình thành ngay khi còn thơ dại. Cha mẹ chính là những người sẽ rèn cho con những thói quen tốt, làm hành trang cho con sau này.
Người xưa có câu: “Tính tương cận, tập tương viễn”, con người khi mới sinh ra, tính tình đều như nhau cả, chỉ là trong quá trình trưởng thành, chịu ảnh hưởng của môi trường hoàn cảnh mà tập tính, thói quen trở nên khác nhau mà thôi. “Từ tốt trở thành xấu chỉ trong một khắc, từ xấu muốn trở nên tốt phải mất cả năm”, câu nói này quả không sai.
Vì thế, ngay khi còn là một ''cây non'' còn dễ uốn, cha mẹ nhất định phải ''ép'' con 10 điều sau.
Có việc cần làm sớm nhất có thể, không để nước đến chân mới nhảy
Muốn thành công, nhất định không được trì hoãn. Rất nhiều người mắc chứng ''nước đến chân mới nhảy'', chưa tới giờ là cứ bình chân như vại. Những người này thuộc nhóm thiếu thói quen xử lý mọi việc theo hướng sớm nhất có thể.
Vì thế cần rèn cho trẻ thói quen này, để trẻ có đủ thời gian làm một việc tốt nhất có thể. Đồng thời, có thể kịp ứng phó với những việc phát sinh, từ đó hình thành nên một tâm thái ung dung tự tại, không vội vã mà hỏng việc.
Chẳng hạn như nhất định phải yêu cầu trẻ làm xong bài tập mới được đi chơi; làm xong việc nhà mới được xem phim hay ra ngoài chẳng hạn.
Hình thành một nếp sống có quy luật, phép tắc
Sinh hoạt lành mạnh, ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc sẽ khiến cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn. Thời gian ăn cơm linh tinh, chơi điện tử thâu đêm... chính là những biểu hiện điển hình của việc thiếu khả năng tự kiểm soát bản thân.
Những thói quen xấu này có thể làm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ giảm sút. Cha mẹ nên rèn cho con sinh hoạt nề nếp, ví dụ mỗi ngày dậy vào lúc mấy giờ, ăn cơm vào giờ nào, làm bài tập vào giờ nào, đọc sách mấy lần, mấy giờ đi ngủ…
Như vậy, khi lớn lên, trẻ sẽ có kế hoạch của cuộc đời mình. Nghe thì có vẻ khô khan, nhưng thực tế có như vậy trẻ mới có tính kiên nhẫn và dễ thành công hơn những đứa trẻ vô tổ chức.
Tham gia vào việc nhà, hình thành tính trách nhiệm
Phụ huynh đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, chưa thể làm giúp mình việc gì. Hãy để trẻ làm những việc vặt vừa sức trong nhà, việc này có thể giúp trẻ hình thành nên tính trách nhiệm cần thiết suốt đời.
Khi trẻ làm việc nhà, chúng sẽ thấy bản thân mình cần có trách nhiệm với gia đình, đây cũng là điều quan trọng để khi trưởng thành, chúng vun đắp chính tổ ấm của mình.
Dạy trẻ dám thử sức, dám hoài nghi
Muốn thành công, nhất định phải dám thử sức mình. Bạn có thể thành công hoặc thất bại, nhưng nếu không nỗ lực hết sức mình, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ tới đích. Hãy cổ vũ trẻ dám thử, và cũng nên cổ vũ trẻ dám hoài nghi bằng cách bồi dưỡng sự tự tin, tinh thần dám gánh vác và tư duy độc lập.
Hình thành thói quen đọc sách
Hãy khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho trẻ. Sách là nguồn tri thức vĩnh cửu mà không có bất cứ thứ gì so sánh được. Không cần giới hạn cho trẻ phải đọc sách nổi tiếng hay sách theo chủ đề nào đó, hãy để trẻ đọc những gì chúng hứng thú. Chỉ cần để trẻ hình thành nên thói quen này, ngồi yên và đọc sách là được.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên là những người thích đọc sách, thường xuyên đọc sách cùng con, như thế sẽ tạo thêm hứng thú và động lực cho trẻ.
Có sai buộc phải sửa, không được tái phạm lần 2
Khi trẻ phạm lỗi, hay cố gắng giữ bình tĩnh, giải thích cho trẻ, và nếu cần sẽ có hình phạt thích hợp. Tuy nhiên, nhắc nhở trẻ không được tái phạm lần 2. Hãy chỉnh đốn sai phạm cho trẻ và dạy trẻ hình thành nên thói con sửa sai, phản tỉnh lại thói quen, lời nói và hành động của mình.
Học cách lựa chọn, biết cho đi và giữ lại
Cuộc đời vốn dĩ nên công bằng, muốn nhận lại thì phải cho đi. Thế nhưng nhiều khi chúng ta phải cho đi những thứ mà ta yêu thích nhất, thành ra lại rơi vào nuối tiếc và đau khổ.
Hãy dạy trẻ biết chọn lựa, kiến thức về việc cho đi, giữ lại cũng như thói quen tư duy, điều này giúp con bạn khi đối mặt với những vấn đề lớn sau này sẽ không bị bối rối, đồng thời trẻ cũng sẽ có mục tiêu rõ ràng cho mình.
Người càng sớm có mục tiêu cho mình thì cơ hội thành công càng cao.
Việc của mình tự mình làm
Ai cũng có việc của mình, vì thế đừng dựa dẫm vào ai. Bạn cần rèn cho con thói quen độc lập, tự giác hoàn thành công việc của mình. Trông mong, dựa dẫm vào người khác cuối cùng đều sẽ dẫn tới thất bại mà thôi.
Học cách lắng nghe, vui vẻ giúp đỡ người khác
Bố mẹ trước tiên hãy chịu khó lắng nghe con nói. Lắng nghe con nói là sự tôn trọng mà bố mẹ dành cho trẻ, làm được việc này, bố mẹ mới có thể dạy con lắng nghe mình và những người khác, hiểu cho người khác.
Đồng thời, cũng cần dạy con biết tôn trọng người khác, giúp đỡ người khó khăn hơn mình một cách tình nguyện và vui vẻ. Việc này rất quan trọng khi trẻ trưởng thành và tham gia vào các mối quan hệ trong xã hội. Người có khí chất, thấu hiểu và chia sẻ sẽ luôn có những mối quan hệ xã hội rộng rãi.
Khống chế cảm xúc của bản thân
Bố mẹ đừng nghĩ rằng trẻ nhỏ mà muốn khóc là khóc muốn cười là cười, muốn cáu giận là cáu giận. Thực ra kiểm chế cảm xúc là việc mà một con người phải làm cả cuộc đời. Cảm xúc của trẻ nhỏ cũng cần có không gian để trút xả và cũng cần có thói quen khống chế, điều tiết.
Ví dụ khi trẻ gặp vấn đề khó, hãy nói để con hiểu rằng, nếu con chán nản, bực dọc thì cũng không giải quyết gì. Hãy tháo gỡ từng chút một, bình tâm lại để xử lý từng phần.
Nếu con chưa hình thành được những thói quen tốt này, vậy thì ngay từ bây giờ, bố mẹ nên “ép” trẻ đi là vừa nếu muốn sau này, trẻ có thể tự chăm sóc tốt cho cuộc đời mình.