Những ngày cuối cùng, dù đau đớn tột cùng nhưng Hằng đã không nhận một liều giảm đau nào. Và cô đã ra đi theo cách kiên cường nhất…
Trong cuộc sống bận rộn này, thi thoảng lại có những con người, những số phận khiến ta phải trân trọng và khâm phục.
Cô giáo Nguyễn Phạm Thanh Hằng, 29 tuổi - một cô gái trẻ bị ung thư trực tràng (giai đoạn cuối) mà chúng tôi đã nhắc trong các bài viết trước đây chính là một đóa hoa đẹp như thế.
Mới đây, ngày 6/1/2018, Hằng bất ngờ ra đi sau bao ngày tháng mỉm cười chống lại bệnh tật quái ác, để lại nhiều nỗi tiếc thương và cầu mong từ đây cô sẽ được nhẹ nhõm.
Hằng biết tin bạo bệnh vào cuối năm 2016 khi đang là giáo viên thanh nhạc ở trường THCS Lệ Chi (Gia Lâm). Vẫn phải nhắc lại câu hỏi rằng: nếu một ngày biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, liệu bạn có sẵn sàng mỉm cười mà vượt qua? Điều khác biệt ở Hằng chính là sức mạnh dùng cuộc sống ngắn ngủi của mình để tô đẹp cho đời, đem lại nghị lực và nguồn hứng khởi cho người khác.
"Lúc nào nhíu mày là biết con rất đau"
Trang Facebook cá nhân với 6 nghìn lượt theo dõi của cô giáo trẻ vẫn còn đó nhưng không sáng đèn nữa… Mọi người cùng nhau ghé lại gửi lời chào cuối, cầu nguyện cho Hằng và không thể quên hình ảnh của cô gái kiên cường, yêu đời tha thiết: “Tôi thích màu hồng. Cuộc sống không cho tôi màu hồng. Tôi sẽ tô nó thành màu hồng!”.
Sáng nay, 9/8, qua cuộc trò chuyện cảm động với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Phạm Thị Hà – người mẹ của Hằng đã tâm sự về con gái trong những ngày cuối cùng trên giường bệnh.
Đến hôm nay, bà càng buồn bã khi nơi ở không còn tiếng cười và hình bóng của con. Nghẹn ngào bà kể:
“Hằng thương mẹ nhiều lắm! Thấy mẹ chăm sóc vất vả thì hỏi rằng “mẹ không chán con à?”. Không bao giờ Hằng khóc, toàn cố nén thôi vì sợ mẹ đau lòng! Chỉ lúc nào thấy lông mày con nhíu lại là tôi biết con rất đau…
3 lần con hỏi tôi rằng “mẹ không chán con à?”. Tôi chỉ biết bảo không bao giờ mẹ chán cả, con càng bệnh, mẹ càng thương! Ai đến thăm mà xúc động thì Hằng lại bảo không được khóc và chỉ vào mẹ, sợ làm mẹ buồn”.
Những ngày cuối cùng, dù đau đớn và yếu ớt nhất nhưng Hằng không tiếp nhận một liều thuốc giảm đau nào, không thể nói năng, nhưng cô lại không hề khóc. Như lời bà Hà nói:
“Không hề tiêm một mũi giảm đau nào, mấy ai được như thế. Hằng không tiêm, cứ chịu đựng và lúc nào cũng nghĩ mình sẽ khỏe ra để Tết âm lịch này lại đi từ thiện. Hằng ra đi mà thương mẹ nhiều lắm. Con để lại cây đàn cho bé Chuột (con gái nhỏ) và dặn “con cố gắng học, không giỏi được bằng mẹ thì cũng phải biết chơi đàn”...
Nói đến đây, bà không thể kìm lòng uất nghẹn. Người mẹ già cũng tâm sự, dù trong lúc đau yếu nhất, trong những ngày cuối cùng ấy, tuy không thể nói được gì nhiều nhưng cô giáo trẻ vẫn cố mỉm cười mỗi khi có ai đó đến thăm.
Cuộc thiện nguyện Tết còn dang dở…
Chúng tôi xin được hỏi thăm về tâm nguyện còn dang dở của cô, bà Hà cho biết, Hằng gửi gắm niềm mong mỏi cho nhóm thiện nguyện "Tô hồng cuộc sống" tiếp tục bền vững.
“Hằng có bảo với mọi người trong nhóm là phải thay nó duy trì nhóm thiện nguyện này, cụ thể đến Tết này phải đi thiện nguyện ở đâu đó thì tôi không nhớ… Các bạn trong nhóm cũng tâm sự với tôi rằng họ sẽ thực hiện tâm nguyện đó và sẽ "báo cáo" với con bé…
Con bé thương người lắm, nhất là với các em bé cô ạ! Có ngày, tay cầm chai dịch truyền mà vẫn đi đến Bệnh viện 108 để động viên một bác cao tuổi bị ung thư trực tràng như mình. Nhưng bác ấy không được kiên cường nên hay khóc, thế là con gái mới thuyết phục, động viên người ta…
Đến lúc đau yếu, sắp ra đi rồi mà nghe tin một người mẹ ở Lào Cai có con bị ung thư nặng mà còn cố ngồi thêu bằng được bức tranh gắn đá và nhờ bạn trai gửi đi để động viên họ. Bức tranh đã được gửi đi rồi!” - bà Hà nhớ lại.
Trước đây, trong một lần tâm sự cùng chúng tôi, Hằng từng nói đã từ bỏ phác đồ điều trị ở bệnh viện. Ở bên ngoài, cô vẫn tung tăng đi du lịch, >trang điểm đẹp và vui cười cùng mọi người. Hàng xóm, bạn bè và các học trò thường chỉ thấy hình ảnh Hằng tươi tắn và đáng yêu, thoải mái vui chơi, ca hát chứ không phải làm một bệnh nhân bi quan hay đau đớn.
Chia sẻ về điều này, bà Hà có cho chúng tôi biết, vì bệnh của Hằng nghiêm trọng nên phải dùng thuốc rất nặng. Khi truyền đến đợt thứ 15 thì cô không chịu được…
“Hằng bảo là thôi, vì mỗi lần truyền về lại đau đớn vật vã. Vừa kịp tỉnh người thì lại đi truyền, rồi con cũng phải ra đi mà cứ như thế thì con chẳng làm được gì có ích cho đời cả mẹ ạ! Thế nên con đã từ bỏ để dùng những phương thuốc khác đỡ đau đớn hơn để tranh thủ làm được các việc khác có ích”.
“Tôi thích màu hồng. Cuộc sống không cho tôi màu hồng. Tôi sẽ tô nó thành màu hồng!”, câu nói tưởng chừng đơn giản và hồn nhiên nhưng lại không phải vậy. Tình yêu đời, yêu người và nghị lực sống đẹp của Hằng sẽ còn đó, có thể là vô hình nhưng sẽ là nguồn thôi thúc cho nhiều người ở lại trên cõi đời...