Lao động người Việt bị các đối tượng dụ dỗ "việc nhẹ lương cao", bắt giữ trái pháp luật và ép buộc làm việc trong các casino dọc biên giới Campuchia.
Theo thông tin từ báo Người Lao Động ngày 25/9, thượng tá Nguyễn Phú Cường, Trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết trong chưa đầy 1 tuần đã có hàng chục lao động người Việt Nam tháo chạy khỏi các casino ở >Campuchia. Những người này hiện đã được các lực lượng chức năng của Việt Nam làm thủ tục cho về địa phương.
Mới đây nhất, ngày 23/9, các lực lượng chức năng của Tây Ninh đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho 21 người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia về Việt Nam. Những lao động này bị chủ casino bán lại cho một chủ casino khác và họ đã bỏ chạy về hướng đồn công an Bavet để được giải cứu. "Cộng với 71 người tháo chạy khỏi casino Lucky 88, số công dân đã được các lực lượng chức năng 2 nước giải cứu là 92 người"- Thượng tá Cường cho biết.
Theo vị thượng tá, trong số này, lực lượng chức năng của Tây Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 48 người với các lý do như không có giấy tờ tùy thân (bị mất, giấy tờ không hợp lệ hoặc bị chủ casino giữ lại); xuất cảnh trái phép; chưa đủ tuổi...
Theo thượng tá Cường, qua điều tra ban đầu, phần lớn những công dân này bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ ">việc nhẹ lương cao", bắt giữ trái pháp luật và ép buộc lao động trong các casino hoạt động quanh khu vực dọc biên giới Campuchia.
Nhiều lao động người Việt làm việc tại các casino ở Campuchia kể do áp lực quá lớn nên phải tháo chạy. Cụ thể, mỗi ngày những người này đều bị chủ ra chỉ tiêu phải lên mạng kêu gọi người khác tham gia đánh bạc online, rồi lừa gửi tiền vào tài khoản đánh bạc. Ví dụ chỉ tiêu giao phải lừa được 20 người tham gia, nếu không đạt thì phải làm việc tăng ca đến 2 giờ sáng, rồi không cho ăn cơm. Đến lúc mệt mỏi quá muốn về Việt Nam, họ bị chủ bắt bỏ tiền ra chuộc mới được về.
T.H.H. (ngụ Bắc Ninh) cho biết bản thân bị dụ dỗ làm việc mức lương cao hơn 12 triệu đồng ở Campuchia. Tuy nhiên khi vào công ty thì không ra được, trong khi đó công việc rất vất vả. Suốt mấy tháng ròng, chủ trả tiền lương chậm, không những vậy tiền lương còn bị trừ vào chi phí đưa qua lo ăn ở nên không được bao nhiêu cả.
Nói về giải pháp để tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác khi qua làm việc tại các casino ở Campuchia, thượng tá Cường cho rằng căn cơ và lâu dài nhất là phải nâng cao ý thức của người dân. Thời gian qua các lực lượng chức năng của Tây Ninh đã tuyên truyền rất nhiều cho người dân và đặc biệt là những người xe ôm xung quanh khu vực biên giới để họ không nhận chở người qua Campuchia làm việc.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là những tay "đầu nậu", "đầu mối" đều ở bên Campuchia. Các đối tượng này kêu gọi trên mạng chứ không qua trực tiếp Việt Nam. Người dân thất nghiệp đã lên mạng tìm kiếm việc làm và mắc mưu. "Mặc dù những tay "đầu nậu", "đầu mối" này đã bị các lực lượng chức năng lập phương án đấu tranh, bắt và khởi tố cũng nhiều nhưng không thể triệt để được" - thượng tá Cường thừa nhận và cho biết thêm do địa hình Tây Ninh khá bằng phẳng nên việc đi bộ qua biên giới là rất dễ dàng, lực lượng chức năng dù kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn có người trốn qua được.
Trước đó theo thông tin từ báo Công An Nhân Dân, đã xảy ra nhiều trường hợp bị dính bẫy việc nhẹ lương cao.
Sau khi lên bến xe Miền Đông ở TP Hồ Chí Minh vào chiều tối ngày 8/5, L. được một người chạy xe máy đưa vào một khách sạn để nghỉ ngơi, sau vài tiếng thì được đưa lên 1 xe ô tô 16 chỗ ngồi rồi đưa đi đâu không rõ, khi biết thì đã ở bên Campuchia. Tại Campuchia, L. làm việc cho một công ty máy tính và bị thu hết giấy tờ tùy thân. L. được hướng dẫn cách thức lừa đảo người khác thông qua các trang mạng xã hội. Các đối tượng yêu cầu trong 1 phút L. phải đánh được 30 chữ do không đáp ứng được nên đã bị bán cho một công ty khác, sau đó tiếp tục bị bán cho một casino gần cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Đến ngày 25/5, sau hơn 10 ngày bị bán qua Campuchia các đối tượng yêu cầu L. gọi cho gia đình ra giá chuộc em về thì phải nộp 2.500USD (khoảng 62 triệu đồng). Nếu trễ 1 ngày, tiền chuộc tăng thêm 20 triệu đồng và sẽ bị đánh đập, tra tấn. Nghe tin dữ, cha mẹ L. như ngồi trên đống lửa, vì gia đình nông dân làm quần quật cũng chỉ đủ ăn thì số tiền kia quá lớn, vả lại trong thời gian ngắn, gia đình L không biết đào đâu ra.
Bà Quách Thị T, (mẹ L.), chia biết, thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, một cô hàng xóm cho mượn 55 triệu đồng và 1 người khác cho mượn 20 triệu đồng để chuộc L. về. Có tiền, cha mẹ L.vội vàng tìm cách chuyển tiền vào tài khoản đối tượng yêu cầu rồi bắt xe lên cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Tại đây vợ chồng ông nhờ người quen và một người xe ôm tốt bụng hỗ trợ đón con trai về. Do gia đình đã đồng ý chuộc L. với số tiền nêu trên nên may mắn trong thời gian này không bị đánh đập như những người khác.
Cũng như L., em V.H. (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) cũng là 1 trong số những nạn nhân được may mắn trở về nhà an toàn. Sau 5 tháng lưu lạc bên Campuchia, đến ngày 12/9, được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng Campuchia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu, H. đã được giải cứu trao trả về địa phương.
H. kể lại, do không có việc làm, em đã liên hệ với một người bạn và được giới thiệu việc làm với mức lương rất cao. Khăn gói lên đường H. không ngờ bị lừa bán sang Campuchia bằng con đường vượt biên. “Em không nghĩ mình còn có thể được về nhà. Quả thật thời gian qua rất khủng khiếp, đầy ám ảnh. Được đoàn tụ với gia đình em như sống lại lần thứ hai và không bao giờ nhẹ dạ cả tin nữa”, H. nghẹn ngào.