Hình ảnh của đại tá phi công Chu Quang Minh cho đến nay vẫn khiến các đồng nghiệp không khỏi xót xa.

Thiên Bảo (t/h) 15:22 09/04/2023

Theo VnExpress, nguyên giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc Trần Xuân Dinh lặng người khi nghe tin phi công Chu Quang Minh - đồng đội có trình độ bay xuất sắc gặp nạn.

"Tôi quá đau xót", đại tá Dinh chia sẻ khi được thông báo trực thăng Bell-505 bay ngắm vịnh Hạ Long rơi chiều 5/4 khiến phi công và bốn du khách thiệt mạng. Từng làm việc cùng đơn vị hàng chục năm, Chu Quang Minh trong ký ức đại tá Dinh là một trong những phi công giỏi chuyên môn, sống chan hòa với mọi người.

Cuối những năm 1980, sau khi hoàn thành khóa học lái máy bay ở Liên Xô, Chu Quang Minh là một trong 4 phi công trẻ được điều về Trung đoàn Không quân Hải quân 954 (Trung đoàn trực thăng săn ngầm). Lúc này, Trung đoàn còn đóng quân ở sân bay Cát Bi, TP Hải Phòng và ông Dinh là Biên đội trưởng, trực tiếp huấn luyện, dìu dắt phi công mới.

Đại tá Chu Quang Minh trước một chuyến bay. Ảnh: VnExpress

Nhờ tác phong nhanh nhẹn, thông minh, Chu Minh nhanh chóng khẳng định năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao và đạt tiêu chuẩn phi công cấp 1 sớm nhất trong 4 người cùng về trung đoàn. Phi công cấp 1 có thể cất hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết, bay được ngày, đêm, giản đơn, phức tạp.

"Là chỉ huy, kèm cặp bay chuyển loại trực thăng chống ngầm, tôi rất hài lòng về trình độ, năng lực của Chu Minh lúc đó. Cậu ấy nắm bắt kiến thức nhanh, động tác bay chuẩn xác nên thường xuyên được tin tưởng giao bài bay khó, như bay tuần tiễu biển xa, có khi xa bờ tới 200 km", đại tá Dinh nhớ lại.

Tháng 1/2002, Chu Quang Minh được điều động ra Hà Nội, công tác tại Công ty Trực thăng miền Bắc (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam - Binh đoàn 18). Vài năm sau đó, ông Dinh cũng chuyển công tác về công ty này, sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc. Lúc này, đồng đội Chu Minh là Chỉ huy đội bay 2.Công ty Trực thăng miền Bắc hoạt động khắp miền Bắc và Trung nên Chu Minh ngoài nhiệm vụ bay tìm kiếm cứu nạn phức tạp ở rừng núi, biển đảo, bay phục vụ chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), còn phục vụ hoạt động kinh tế quốc phòng như tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở biển.

Do yêu cầu công tác, đặc biệt là nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đơn vị có chủ trương trang bị máy bay của các nước Âu - Mỹ vào biên chế và phi công Chu Minh được lựa chọn đi đào tạo. "Ngoài học chuyên môn, Chu Minh rất tích cực rèn luyện tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khai thác tính năng của máy bay mới và trao đổi, giao dịch với những người nước ngoài làm việc trên các giàn khoan", đại tá Dinh kể.Ngoài trình độ bay xuất sắc, ông Dinh cũng nhớ rõ hình ảnh phi công Chu Minh vui tính, dễ gần, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Những năm tháng Trung đoàn 954 mới chuyển vào đóng quân tại Đà Nẵng, anh hăng hái giúp đỡ đồng đội dựng nhà, chuẩn bị chỗ ở để đón vợ con vào sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất mới.

Bà Ngân rơi nước mắt khi chia sẻ về người chồng. Ảnh: VnExpress

Theo Báo Tin Tức trước đó, chiều 6/4, lãnh đạo một số đơn vị, sở, ngành tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long đã làm việc với thân nhân các nạn nhân gặp nạn để trao các khoản hỗ trợ của địa phương, thống nhất phương án đưa thi thể nạn nhân về an táng.

Ông Nguyễn Đình Thăng, người nhà của Đại tá, phi công Chu Quang Minh cho hay, trong thời gian người thân gặp nạn, gia đình đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tận tình của chính quyền, đoàn thể trong tỉnh Quảng Ninh. Gia đình hoàn toàn đồng ý với các phương án của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, Bộ Quốc phòng đã đưa ra.

 

Các cơ quan chức năng đang thống nhất phương án với gia đình các nạn nhân là du khách đến từ Đà Nẵng để có hình thức di chuyển thi thể nạn nhân phù hợp, bởi hiện tại vẫn còn một nạn nhân chưa được tìm thấy.

 

Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, đây là vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trên địa bàn. Ngay sau khi nhận được thông tin, tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung ương và địa phương tích cực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng/một nạn nhân. Hội Chữ thập đỏ, UBND thành phố Hạ Long cũng hỗ trợ mỗi nạn nhân 6 triệu đồng; đồng hành với các gia đình nạn nhân giải quyết các thủ tục nhanh chóng, thuận lợi.

Động cơ của trực thăng được tìm thấy. Ảnh: TTXVN

Các chi phí đi lại, ăn ở, lo hậu sự cho nạn nhân trong thời gian lưu lại Quảng Ninh sẽ được Công ty Trực thăng miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) chịu trách nhiệm.

Chiều 5/4, trực thăng chở 4 du khách tham quan Vịnh Hạ Long mất liên lạc sau 10 phút cất cánh từ đảo Tuần Châu, hai thi thể và một số mảnh vỡ đã được tìm thấy.

Lúc 16h56, đại tá phi công Chu Quang Minh lái trực thăng Bell 505, số hiệu VN-8650 cất cánh từ đảo Tuần Châu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Máy bay chở 4 du khách là thành viên trong một gia đình ở TP Đà Nẵng gồm ông Hồ Tá Lực (59 tuổi), bà Nguyễn Thị Hội (60 tuổi), Hồ Thị Oanh (61 tuổi), Phạm Thị Bê (65 tuổi), ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao.

Gần 10 phút sau, máy bay mất liên lạc. Công ty Trực thăng miền Bắc (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam), đơn vị điều hành máy bay, đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng quân sự địa phương tìm kiếm, cứu nạn.

Lúc 19h18, hai thi thể cùng một số mảnh vỡ nghi là của máy bay được tìm thấy tại vùng biển cách xã Gia Luận, huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) khoảng 3 km.

Thiên Bảo (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe