Bao nhiêu ngày không ngủ được, khuôn mặt gầy gò, đôi mắt sâu hoắm của cha mẹ cậu con trai 19 tuổi thể hiện rõ sự xót xa.

My My (t/h) 13:49 19/02/2023

Thông tin từ VietNamNet cho hay, một vụ việc kinh hoàng xảy ra với gia đình nam thanh niên 19 tuổi khiến nhiều người xót xa. Những ngày này, căn nhà cấp bốn của vợ chồng ông Lô Văn Tẳm vẫn bao trùm cảnh tang thương. Hàng ngày người dân trong xóm vẫn qua lại thăm hỏi, động viên khiến ông bà càng thêm nhớ con.

Lô Văn Quý (SN 2004) là con trai duy nhất của vợ chồng ông Tẳm (SN 1947) và bà Ngân Thị Hải (SN 1962). Gia đình ông Tẳm thuộc diện hộ nghèo của xã. Quý vốn là một đứa ngoan hiền. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên em chỉ học hết lớp 11.

Những ngày Quý ở nhà, em thường ra đồng giúp mẹ. Thời gian rảnh rỗi, ai thuê đi làm việc gì em cũng đi để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Cha mẹ thắp hương cho em. Ảnh: VietNamNet

Ông Tẳm kể, tháng 11/2022, vào buổi sáng sớm trước khi vợ chồng ông đi làm đồng, Quý có nói với bố mẹ là cho con đi làm cùng với bạn. Cũng chỉ nghĩ con xin như vậy, ai ngờ buổi trưa vợ chồng ông Tẳm đi làm về thì đứa con trai đã rời khỏi nhà từ lúc nào không hay.

“Nhà tôi chỉ trông chờ vào hơn 1 sào ruộng lúa. Khi nghe con nói đi làm cùng với bạn, bản thân vợ chồng tôi vui lắm. Vui vì con có công ăn việc làm, có thu nhập giúp gia đình.

Buổi ra đồng hôm đó, vợ chồng còn bàn tính, hôm nào con đi sẽ làm thịt con gà, làm mâm cơm ăn cùng con để đưa chân con đi làm cho suôn sẻ. Nào ngờ, ngày nó đi cũng là ngày vợ chồng tôi mất liên lạc với con”, ông Tẳm kể lại.

Từ ngày mất liên lạc với con, đêm nào vợ chồng ông cũng ngóng tin tức, nhưng càng ngóng càng biệt vô âm tín. Bà Hải nhớ con đến nỗi chẳng đêm nào yên giấc. Mỗi lúc như vậy ông Tẳm lại phải trấn an rằng “chắc con đi làm chỗ họ không cho dùng điện thoại” để vợ yên tâm.

“Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con duy nhất. Khi con đi vợ chồng tôi không thấy mặt nó, giờ đón về chỉ còn lại hài cốt”. Ảnh: VietNamNet

Sau hơn 2 tháng mất liên lạc, đúng ngày 3/1/2023 (tức ngày 12 tháng Chạp) gia đình ông Tẳm bàng hoàng nhận hung tin con trai mình xuất cảnh trái phép sang >Campuchia và đã tử vong, ông bà như chết lặng.

Để đưa được con về nước chôn cất, gia đình ông phải nhờ đến các cấp chính quyền, đồng thời phải vay mượn hơn 100 triệu lo liệu. Ngày đưa hài cốt Quý về tới nhà cũng là ngày 24 tháng Chạp.

“Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con duy nhất. Khi con đi vợ chồng tôi không thấy mặt nó, giờ đón về chỉ còn lại hài cốt”, ông Tẳm nói trong nước mắt.

Từ ngày đưa con về chôn cất, đến nay chẳng đêm nào ông Tẳm ngủ được. Khuôn mặt gầy guộc, đôi mắt sâu hoắm hiện hữu trên khuôn mặt người cha khắc khổ.

 

Cha mẹ xót xa vì con mất. Ảnh: VietNamNet

Ông bảo, đến bây giờ ông vẫn chưa thể tin nổi con mình đã chết. Mỗi lúc nhìn vào di ảnh con, nước mắt ông lại tuôn trào. Ngày lại ngày, ông thẫn thờ ngoài sân, không dám vào trong nhà, vì sợ phải đối diện với di ảnh của con.

“Tưởng nó đi làm với bạn ở trong nước, ai ngờ bị lừa vượt biên trái phép sang Campuchia rồi chết, giờ để lại vợ chồng già chúng tôi phải đau đớn như thế này. Quá thương con, nhiều lúc bà nhà tôi lại khóc nức nở gọi tên nó rồi lao tới bàn thờ ôm di ảnh bảo con tôi chưa chết, nó đang đi làm ăn xa”, ông Tẳm buồn bã nói.

Đưa người từ Campuchia trở về. Ảnh: Zing

Theo Zing News trước đó, vào 9/2022, hàng chục người Việt tháo chạy khỏi một cơ sở kinh doanh ở Campuchia. Trong quá trình chạy trốn, 4 người đã bị phía cơ sở kinh doanh bắt lại.

Nỗi ám ảnh của người chuộc các nạn nhân khỏi công ty 'ma' ở Campuchia. Anh Đ.T.H. (SN 1985, trú huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) được biết đến là một TikToker khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Campuchia. Người đàn ông này đã kết nối, giải cứu hàng trăm nạn nhân thoát khỏi đường dây mua bán người.

Anh H. kể năm 2009, anh làm việc cho một công ty viễn thông ở Campuchia nên khá thông thạo ngôn ngữ nước này. Sau thời gian trở về Việt Nam, năm 2021 anh tiếp tục sang Campuchia, rồi bị bán cho một công ty tại khu Chinatown, thành phố cảng Sihanoukville.

Sau nhiều tháng bị giam lỏng, anh H. vượt tường rào một công ty ở Campuchia để về nước. Người đàn ông này đã kết nối, giải cứu hàng trăm nạn nhân thoát khỏi đường dây mua bán người.

“Tôi bị bắt làm việc tại tòa 16 Chinatown. Khu này có 21 tòa nhà, mỗi tòa nhà có 8 tầng. Đây được xem là khu của nhiều người Trung Quốc, là khu “khét” nhất ở Campuchia. Ở khu này có tất cả dịch vụ”, anh H. cho hay.

Anh H. ám ảnh nhất là lần phải đưa thi thể nạn nhân N.T.Đ. (SN 1995, quê Nghệ An, sống tại Tây Nguyên) về nước vào tháng trước.

Sau 2 tháng đi “chui” sang Campuchia, bị bán vào các công ty lừa đảo do người Trung Quốc làm chủ, Đ. bị bóc lột sức lao động, đánh đập. Ngày 13/7, người thân của nạn nhân Đ. nhắn tin nhờ anh H. tìm tung tích của Đ. để đưa về nước. Đến ngày 18/7, anh H. nắm được thông tin, vị trí của Đ. và liên hệ công ty để xin giá chuộc về.

“Tuy nhiên, khi chưa kịp chuộc người thì lúc 9h25 ngày 19/7, Đ. đã nhảy từ tầng 9 xuống tử vong. Tôi cảm thấy day dứt và ám ảnh trước cái chết của thanh niên này khi chưa kịp trả tiền chuộc”, anh H. chia sẻ.

A H. cho biết Đ. mất không rõ lý do cụ thể. “Chỉ nghe người ta đồn vào đây đánh tài xỉu mất 250 triệu, có người thì nói xin chuộc nhưng công ty bảo tháng 8 mới cho chuộc người nên Đ. nhắn tin cho người thân “không muốn sống nữa” rồi tự tử”, anh H. nói.

My My (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe