Sáng 17-3, không khí tang thương bao trùm buôn Ur (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) trước cái chết thương tâm của ba bà cháu đi mò ốc chẳng may đuối nước chiều tối qua…

17:30 17/03/2019

Gia đình cháu H’Su Ka (8 tuổi) - Ảnh: TRUNG TÂN

Hàng trăm người dân tại buôn Ur và các buôn lân cận đã tập trung về xóm nghèo, nơi có ba đám tang để chia buồn, phụ giúp gia đình lo hậu sự. Thanh niên trai tráng chẻ củi, bắc nước nấu canh, người trung niên chặt những ống nứa để làm vá múc canh...

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, chiều qua ba nạn nhân gồm: bà H’Viên M’lô (54 tuổi) và 2 cháu H’Sơn Ra (11 tuổi), H’Su Ka (8 tuổi) cùng trú buôn Ur ra hồ Đà Lạt gần nhà mò ốc. Trong lúc bắt ốc, 3 bà cháu đã trượt chân rơi xuống vũng nước sâu và bị đuối nước.

Phát hiện sự việc, hàng chục người dân trong buôn đã ra lặn mò tìm vớt các nạn nhân. Các cháu H’Sô Ka và H’Sơn Ra được tìm thấy trước, đưa vào viện cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. Khoảng 10 phút sau, người dân tìm thấy bà H’Viên nhưng nạn nhân đã tử vong.

Quá đau buồn vì mất mát đến bất ngờ, ông Y Sơn Niê (chồng bà H’Viên) nằm lặng trong phòng. Nhiều khách đến hỏi thăm, ông Y Sơn gắng gượng ra để chào hỏi, nhận những lời động viên. "Hôm qua bà ấy đi mò ốc như mọi hôm. Tôi đang bận việc nên hai đứa cháu đi theo khi nào chẳng hay. Một lúc sau hay tin chạy xuống hồ Đà Lạt thì đã quá trễ", ông Y Sơn nấc nghẹn.

Ông Y Sơn Niê cho biết bà H’Viên ngày ngày đi mò cua, bắt ốc ở ven suối, ven hồ để cải thiện cuộc sống gia đình. Các cháu thường ở nhà với ông vì cha mẹ chúng cũng nghèo, phải đi làm thuê xa. Chiều qua chúng theo bà và đùa nghịch trên bờ.

"Khi bà ấy phát hiện các cháu trượt chân xuống hồ đã nhảy xuống cứu. Bà đưa được hai cháu lên thì đã sụt xuống hũm sâu. Chúng tôi phải tổ chức tìm hơn hai tiếng sau mới vớt lên được. Vậy mà bà đấy cũng không cứu được các cháu".

Trong hai cháu vắn số, H’Su Ka là cháu ngoại của bà H’Viên, còn H’Sơn Ra là con út người cháu họ bà H'Viên.

Nhiều người thân, hàng xóm đến chia buồn trước cái chết của cháu H’Su Ka (8 tuổi) - Ảnh: TRUNG TÂN

Tại nhà anh Y Nuốt Niê (cháu họ bà H’Viên) cũng đang tổ chức đám tang cho con gái út, cháu H’Sơn Ra (11 tuổi). Y Nuốt cho biết anh có bốn con đang độ tuổi đến trường nhưng nhà chỉ có 300 cây cà phê và nửa sào ruộng lúa nên vợ chồng anh phải đi làm thuê quanh năm. 

Di ảnh cháu H’Sơn Ra (11 tuổi) - Ảnh: TRUNG TÂN

"Các cháu ở nhà bảo ban nhau và thường tôi không cho ra sông, hồ. Thế nhưng chiều qua khi đang hái tiêu thuê ở xã Ea Tân (cách nhà hơn 30km) thì nghe chuyện của cháu", anh Y Nuốt đau buồn kể.

Có mặt tại đám tang của gia đình, ông Trần Minh Châu - phó chủ tịch UBND huyện Krông Năng - cho biết khi hay tin đau lòng, lãnh đạo huyện, thị trấn đã có mặt tối qua để chia buồn cùng gia đình. Các ban ngành của huyện đã hỗ trợ 5 triệu đồng/người mất, thị trấn hỗ trợ thêm mỗi trường hợp 2 triệu đồng.

Ông Châu cho biết những gia đình gặp nạn đều có hoàn cảnh khó khăn nên phải đi làm thuê xa. Các cháu ở nhà với gia đình và theo bà ra bờ hồ (dùng để tưới cà phê, hồ tiêu) chẳng may gặp nạn. 

"Hằng năm huyện đều có những thông báo yêu cầu các địa phương, các nhà trường tuyên truyền để phụ huynh không cho con em ra sông, suối tắm, chơi để tránh những vụ tai nạn thương tâm. Vụ tai nạn đau lòng này là vụ thứ 6 trong hai năm qua và đều xuất phát từ việc trẻ ra sông, hồ chơi khi cha mẹ vắng nhà", ông Châu nói.

Theo phong tục người Ê Đê, khi đi đến đám tang đều chia sẻ với gia đình vài ký gạo và phụ giúp gia đình lo hậu sự - Ảnh: TRUNG TÂN

Gia chủ sẽ đặt một bao tải hoặc một thùng trước nhà để hàng xóm đến đổ gạo vào. Gạo này dùng để nấu cơm mời dân làng đến lo hậu sự, chia buồn cùng gia đình - Ảnh: TRUNG TÂN

Những người dân nghèo phụ giúp gia đình lo hậu sự - Ảnh: TRUNG TÂN
Theo Trung Tân - Đình Cương/Tiền phong