Ở tuổi 65, một người đàn ông Nhật Bản tuyên bố rằng mình đã ăn ít nhất một cốc mì ăn liền mỗi ngày, tích lũy tổng cộng hơn 10.000 cốc mì trong suốt 30 năm qua.
Mì ăn liền, còn gọi là ramen hay mì ly, là mặt hàng rất được ưa chuộng ở đất nước mặt trời mọc. Có hàng trăm loại mì khác nhau, từ những loại rẻ tiền có thể tìm thấy ở cửa hàng tạp hóa địa phương cho đến những loại đắt tiền chứa thịt sấy khô và rau.
Đây là bữa ăn liền phổ biến nhất ở Nhật Bản và số đông người dân đều thích nó, nhưng có vẻ không ai thích bằng Oyama, người được mệnh danh là "Vua ramen".
Là một cựu họa sĩ minh họa, Sokusekisai Oyama (65 tuổi) đã từ bỏ sự nghiệp để cống hiến hết mình cho điều mà ông yêu thích nhất - ăn mì và trở thành một nhà phê bình mì ly chuyên nghiệp. Người đàn ông 65 tuổi này tuyên bố rằng ông đã ăn ít nhất một suất mì ăn liền mỗi ngày và tổng cộng hơn 10.000 gói mì trong 30 năm qua.
Oyama cho biết tình yêu dành cho mì ăn liền của mình "thức tỉnh" từ những ngày ông học kỹ thuật tại Đại học Gunma ở Tokyo, nơi ông lần đầu thử món ăn tiện lợi này. Đồng thời, ông cũng nảy sinh ý tưởng sưu tập bao bì mì ăn liền và cho đến nay, ông đã tích lũy được bộ sưu tập độc đáo với hơn 6.000 bao bì và cốc mì khác nhau.
Năm 1995 đánh dấu bước ngoặt lớn của Oyama khi ông giành chiến thắng tại Giải vô địch mì ăn liền của TV Tokyo, một cuộc thi kiểm tra kiến thức về mì ăn liền. Chiến thắng này đưa tên tuổi ông lan rộng, giúp Oyama trở thành gương mặt quen thuộc trên các chương trình truyền hình, tham gia sự kiện ẩm thực và được công nhận là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mì ăn liền.
Bằng niềm đam mê mãnh liệt với mì ăn liền, Oyama tiếp tục hành trình khám phá và sáng tạo với món ăn này. Năm 2018, ông Oyama một lần nữa khẳng định danh hiệu “vua mì ăn liền” khi trở thành Nhà vô địch truyền hình Goku Kiwami Cup Ramen Arrangement King.
Trong chương trình này, các thí sinh sẽ chọn loại mì ăn liền yêu thích và thêm một số nguyên liệu để nâng cấp hương vị giúp món mì ăn liền trở nên đặc biệt hơn. Kết quả, món ăn của ông được đánh giá là ngon nhất và nhận được sự tán dương từ giới chuyên gia và các giám khảo là chủ cửa hàng mì ramen. Thành công này càng khẳng định vị trí của Oyama trong giới ẩm thực mì ăn liền, biến ông trở thành một biểu tượng không thể thiếu khi nói về món ăn này tại Nhật Bản.
Hiện nay, với vai trò là nhà phê bình mì ăn liền, Oyama bận rộn hơn bao giờ hết. Hàng năm, có hàng trăm loại mì mới ra mắt trên thị trường và ông Oyama luôn đi đầu trong việc đánh giá và xếp hạng từng sản phẩm.
Ông thường xuyên xuất hiện trên truyền hình và duy trì sự hiện diện tích cực trên mạng> xã hội, nơi ông trả lời câu hỏi từ công chúng và đăng tải các đánh giá, xếp hạng các loại mì phổ biến. Kinh nghiệm và kiến thức dày dặn của Oyama khiến ông trở thành người có ảnh hưởng lớn trong ngành mì ăn liền, và ý kiến của ông được người tiêu dùng quan tâm sâu sắc.
Mặc dù mì ăn liền thường bị xem là thực phẩm không lành mạnh, Oyama chưa bao giờ công khai về tình trạng >sức khỏe của mình sau hàng chục năm tiêu thụ số lượng lớn mì cốc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mì ăn liền của Nhật Bản có sự khác biệt lớn so với các loại mì phổ biến ở Mỹ, với hương vị đa dạng, ít bột nêm và có thể đi kèm với thịt và rau củ thật. Hơn nữa, Oyama cũng không ăn mì cốc mỗi ngày một cách triệt để, ông vẫn kết hợp với nhiều thực phẩm lành mạnh khác để duy trì chế độ ăn uống cân bằng.
Sự khác biệt này không chỉ giúp Oyama duy trì sức khỏe mà còn là yếu tố làm tăng thêm sức hút của mì ăn liền Nhật Bản, biến món ăn bình dân này thành một phần không thể thiếu của nền ẩm thực xứ sở hoa anh đào.