Mặc dù đang được bác sĩ tích cực điều trị, nhưng mỗi khi ký ức ùa về, nạn nhân Trần Tú Hường lại rơi trạng thái hoảng loạn, gào thét...
Nạn nhân vẫn bấn loạn
Chị Trần Tú Hường (SN 1990, quê ở Chiêm Hoá, Tuyên Quang) và con gái là Phạm Thu Hà là 2 trong 3 nạn nhân may mắn sống sót trong vụ >tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra tại huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) ngày 15/9 vừa qua. Mặc dù tình hình sức khoẻ chị Hường tạm coi là đã “tai qua nạn khỏi”, nhưng tâm lý hoảng loạn, bất ổn định thường xuyên diễn ra với chị.
Vụ tai nạn thương tâm đã khiến chị Trần Tú Hường chấn thương sọ não, dập sụn mũi, rạn xương quai hàm, gãy đùi chân trái và gãy rời 3 đoạn cánh tay trái. Còn con gái chị Hường là bé Phạm Thu Hà thì bị gãy chân, xước xát mặt mũi.
Những ngày cuối tuần trong bệnh viện chăm sóc vợ, anh Phạm Tùng Sơn (SN 1985, chồng chị Hường) không giấu được sự mệt mỏi, căng thẳng sau chuỗi ngày đối mặt với những nỗi đau chồng chất. Gặp PV Báo Gia đình & Xã hội trong căn phòng chật chội, đông đúc bệnh nhân tại khoa Phẫu thuật chi dưới (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), anh Sơn vừa xoa chân cho vợ, vừa chua xót kể: “Ngày định mệnh đó là ngày giỗ bố tôi, cũng là ngày giỗ mẹ vợ và cậu con trai đang bi bô tập nói. Đó là cú sốc rất lớn với gia đình tôi. Gia đình hai bên vừa lo xong hậu sự cho con trai và mẹ vợ thì tôi xuống đây chăm sóc Hường luôn. Mấy ngày đầu nhập viện, lúc ngất lịm đi thì không sao, nhưng cứ hễ tỉnh giấc là vợ tôi lại rơi vào trạng thái hoảng loạn, rồi gào thét. Đến hôm nay, mặc dù cô ấy đã đỡ hơn, nhưng thỉnh thoảng vẫn vùng dậy gào thét. Nếu biết mẹ đẻ và con trai đã mất thì không biết cô ấy sẽ thành người như thế nào? Tôi sợ sẽ không chịu đựng nổi nên gia đình quyết định giấu chuyện đến cùng. Khi nào tâm lý và thể trạng của Hường hồi phục hoàn toàn thì gia đình sẽ cho biết chuyện. Mong rằng sau này, cô ấy sẽ không trách gia đình hai bên”.
“Thời gian vừa nhập viện, do Hường lúc tỉnh lúc mê và mất máu nhiều nên chưa thể mổ ngay được. Đến ngày 20/9, cô ấy mới được chỉ định mổ tay và chân. Chi phí mổ cũng hết nhiều và sắp tới, có thể sẽ mổ thêm nhiều lần nữa. Bắt đầu từ ngày 24/9, Hường sẽ được các bác sĩ hội chẩn các phần thương tích còn lại. Sắp tới, gia đình dự định sẽ đưa Hường về Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen ở Tuyên Quang để tiếp tục điều trị”, anh Sơn mệt mỏi nói.
Cũng theo anh Sơn và gia đình, mặc dù vụ tai nạn đã xảy ra nhiều ngày và cơ quan chức năng đã có quyết định khởi tố vụ án, tuy nhiên đến nay, gia đình anh mới chỉ nhận được lời thăm hỏi của đại diện xe khách. Còn bên phía đại diện chiếc xe bồn gây ra tai nạn vẫn không một lời hỏi thăm, động viên. “Chiếc xe bồn đó là của một công ty ở Lào Cai. Khi có kết quả điều tra của cơ quan chức năng, bên bảo hiểm đã liên hệ với tôi để chuyển số tiền hỗ trợ bồi thường 10 triệu đồng/người cho gia đình. Nhưng đến nay, gia đình vẫn chưa làm thủ tục nhận. Một phần do tôi còn tập trung lo hậu sự hai bên gia đình và chăm sóc mẹ con Hường tại bệnh viện. Thêm nữa, bên gây ra tai nạn vẫn “bặt vô âm tín” nên đến hiện tại, tôi chưa đồng ý nhận số tiền hỗ trợ từ bảo hiểm”, anh Sơn nói.
Nhìn nhận lại vụ tai nạn kinh hoàng, không chỉ riêng anh Sơn mà bạn bè, gia đình anh đều bàng hoàng. Bởi, chẳng ai nghĩ đến việc đau lòng ấy lại bất ngờ ập đến với gia đình. Anh Sơn mong muốn: “Vụ tai nạn đã gây tan nát cho bao nhiêu gia đình, không chỉ là nỗi đau của người lớn mà còn là cú sốc với các con trẻ khi mất đi người cha, người mẹ. Vì vậy, tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý công minh để làm gương cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tôi mong rằng, các tài xế cũng thấy đây là bài học đắt giá để lái xe an toàn”.
Sự cố hay do ý thức giao thông?
Công an tỉnh Lai Châu đã ra quyết định khởi tố vụ án xe bồn đâm vào xe khách khiến 13 người tử vong, 3 người bị thương trên quốc lộ 4D (thuộc địa phận thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, Lai Châu). Theo cơ quan chức năng, mặc dù 2 tài xế đã tử vong, nhưng việc khởi tố để mở rộng, truy cứu trách nhiệm của những người có liên quan (nếu có) là rất cần thiết, kịp thời và hợp lòng dân. Tuy nhiên, dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều tranh cãi xung quanh vận tốc 109km/h của tài xế xe bồn. Nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc vừa qua không phải là sự cố, mà do ý thức lái xe. Bởi nhìn chung, đã có nhiều vụ >tai nạn thảm khốc có liên quan đến xe bồn. Vì vậy, cần làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc này trước pháp luật.
Là người có thâm niên lái xe, anh Bùi Văn Quân (48 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) nêu quan điểm: “Kết luận công an là đáng tin cậy, vì tốc độ xe thả trôi là rất lớn. Giả sử cứ cho là va chạm làm sai vị trí cần số, tài xế đi số thấp từ đầu thì không thể đạt 109km/h được. Trường hợp này là tua máy cao không vào được số thấp khi bắt đầu đổ đèo, khiến xe lao tốc độ quá cao, lúc đó mới vào số thì đã muộn. Thực trạng này vẫn tồn tại với một số tài xế xe đường dài là gài số mo và thả trôi xe xuống đèo rồi dùng phanh hãm để tiết kiệm dầu. Việc làm này cực kỳ nguy hiểm vì khi đạp phanh thắng thì má phanh sẽ nóng do ma sát, nếu đạp liên tục thì sẽ bị cháy má phanh nên sẽ mất tác dụng của phanh hãm thắng dù có cố gắng đạp mạnh. Do đó, phải gài số thấp (số 1-2 tuỳ theo độ dốc của đèo) ngay từ đỉnh đèo, rồi dùng sức máy để níu xe rồi thả dần xuống dưới chân đèo. Điều quan trọng khi lái xe tải trọng lớn là tuyệt đối không lạm dụng việc đạp thắng hãm xe lại, phải vào số thấp ngay từ đầu đỉnh đèo và nhớ nguyên tắc cơ bản là lên đèo số nào thì xuống đèo phải đúng số đó, đi đúng phần đường, đúng tốc độ, bán lề vạch sơn đường bên phải sẽ không xảy ra tai nạn”.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe bồn gây ra tai nạn nhãn hiệu Hino, sản xuất năm 2012 tại Trung Quốc. Chủ xe theo đăng ký là Công ty TNHH MTV vận tải Hoành Sơn (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Hạn kiểm định đến 3/5/2019. Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, tài xế xe bồn thao tác không đúng quy trình kỹ thuật khi tham gia giao thông, dẫn đến hệ thống phanh bị vô hiệu hóa.