Theo một cán bộ Công an huyện Can Lộc, tài xế Nguyễn Thị Hằng dù biết xe máy của nạn nhân va chạm với ô tô của mình rồi ngã ra giữa đường nhưng do sợ hãi và thiếu lương tâm trong khi tham gia giao thông nên đã vô tình đẩy nạn nhân tới cái chết.
Liên quan đến vụ việc VKSND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hằng (SN 1992; ngụ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng", trao đổi với báo Người Lao Động, một cán bộ của Công an huyện Can Lộc khẳng định qua điều tra của công an xác định đủ điều kiện để ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
"Quá trình điều tra, mặc dù bị can phủ nhận những hành vi của mình, cho rằng không biết nạn nhân có va chạm với xe của mình và ngã ra đường, sau đó dẫn tới nạn nhân bị chiếc xe khác chạy cùng chiều cán qua làm tử vong. Tuy nhiên, với các chứng cứ chúng tôi thu thập được thì đủ điều kiện để khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật" - vị cán bộ công an nhấn mạnh.
Cũng theo cán bộ này, tài xế Nguyễn Thị Hằng dù biết xe máy của nạn nhân va chạm với ô tô của mình rồi ngã ra giữa đường nhưng do sợ hãi và thiếu lương tâm trong khi tham gia giao thông nên đã vô tình đẩy nạn nhân tới cái chết.
"Đáng lẽ nữ tài xế và những người đi cùng phải đưa nạn nhân vào lề đường, đồng thời trình báo sự việc cho cơ quan chức năng hoặc tìm các phương án hỗ trợ khác. Tuy nhiên, nữ tài xế đã bỏ mặc nạn nhân khiến họ tử vong do bị chiếc xe khác cán qua người sau đó là điều rất đáng lên án. Qua đây cảnh tỉnh cho chúng ta, những người hằng ngày tham gia giao thông cần phải có thái độ, cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người tới văn hóa tham gia giao thông" - vị này nói.
Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 2/10/2022, Hằng điều khiển ô tô chở Vương Kim Trực (SN 1985) và Vương Đình Quang (SN 2003, cùng ngụ huyện Yên Thành) lưu thông qua địa phận huyện Can Lộc.
Lúc này, anh Nguyễn Công Ph. (SN 1991; ngụ thôn Lai Lâm, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển xe máy vô tình va chạm vào phía sau chiếc xe tải của Hằng.
Cú va chạm đã khiến anh Ph. ngã ra giữa đường, nằm trên làn xe cơ giới, sát với dải phân cách cứng. Tuy biết sự việc xảy ra nhưng Hằng vẫn bỏ mặc nạn nhân nằm giữa đường rồi lái xe rời khỏi hiện trường.
Đúng lúc này, xe tải đông lạnh mang BKS: 49C - 103.19 do Tưởng Văn Danh (ngụ tỉnh Quảng Bình) điều khiển chạy tới, do thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ đã cán qua người của anh Ph khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.
Cơ quan chức năng sau đó đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Tưởng Văn Danh, về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Dưới góc độ pháp lý về vụ việc này, trao đổi với báo Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định, hành vi gây ra tai nạn giao thông nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân tử vong là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc này, nữ tài xế hoàn toàn có thể giúp đỡ nạn nhân, đưa nạn nhân vào ven đường và gọi người cấp cứu, hoặc chở người bị thương đến bệnh viện để cứu chữa... Tuy nhiên nữ tài xế đã không thực hiện việc cứu giúp, bỏ mặc nạn nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông tiếp theo xảy ra khiến nạn nhân tử vong. Vậy vụ tai nạn thứ hai có một phần lỗi của người gây ra vụ tai nạn thứ nhất.
Nếu sau khi vụ va chạm xảy ra mà nữ tài xế này đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu hoặc đưa nạn nhân vào ven đường, tránh nguy hiểm rồi gọi người đưa đi cấp cứu, có thể nạn nhân sẽ giữ được tính mạng.
Việc nữ tài xế này bỏ đi, rời khỏi hiện trường là một hành động vô tâm và vi phạm pháp luật, hậu quả nạn nhân tiếp tục gặp phải vụ tai nạn thứ hai và đã thiệt mạng nên việc cơ quan điều tra khởi tố nữ tài xế là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của những người khác ngồi trên xe của nữ tài xế này.
Nếu trong số những người này, có người có lời nói, hành động tác động đến tâm lý, hành vi của nữ tài xế khiến việc không cứu giúp người diễn ra, những người đó có thể cũng sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm.
Về hình phạt, ông Cường cho biết, Điều 132 quy định, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
Như vậy, sau khi bị khởi tố, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà nữ tài xế có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.