Mẹ của nữ sinh lớp 6 không nhận giấy mời lên làm việc của cán bộ xã vì cho rằng gia đình không vi phạm pháp luật.
Liên quan đến thông tin nữ sinh lớp 6 được gia đình gả chồng ở ấp Cây Sộp, xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng gây xôn xao dư luận, chiều nay (4/5), khoảng 10 cán bộ xã đã đến nhà nữ sinh để đưa giấy mời hẹn sáng hôm sau lên chính quyền làm việc nhưng gia đình không nhận.
Theo đó, mẹ nữ sinh lớp 6 cho rằng mình không vi phạm pháp luật vì gia đình chỉ tổ chức lễ đính hôn chứ chưa làm lễ kết hôn. "Khoảng 4-5 năm nữa, chúng tôi mới làm lễ cưới nên không vi phạm pháp luật. Chúng tôi không làm gì sai nên không nhận giấy mời", mẹ của nữ sinh nói. Ngoài ra, bà cũng phản ánh việc ở xã bên cũng có trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi nhưng chính quyền không can thiệp.
Bà Quách Thị Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Kế Thành là một trong những người đi đưa giấy mời cho gia đình cô dâu trao đổi với Dân Việt: "Phía nhà gái không có thiện ý hợp tác, lớn tiếng, không cho chúng tôi giải thích mà chỉ nói những gì họ cho là đúng. Trước đây cán bộ xã cũng đã đến và phải nghe những lời không hay như vậy. Vì vậy, chúng tôi đành phải lập biên bản việc gia đình nhà gái không nhận giấy mời của UBND xã".
Ông Châu Văn Ngữ - Chủ tịch UBND xã Kế Thành cho biết, cô dâu là em Ng., SN 6/12/2005 (con của ông M. và bà N., ngụ ở ấp Cây Sộp, xã Kế Thành). Còn chú rể là nam thanh niên tên Q. đã 20 tuổi, (con của ông V. và bà S.,ngụ ấp An Phú, thị trấn Kế Sách).
Tính đến thời điểm hai gia đình kết thông gia, em Ng. mới 12 tuổi 5 tháng, hiện đang học lớp 6 nên chính quyền xã đã đến vận động gia đình dừng việc tổ chức đám cưới. Chiều ngày 2/5, phía gia đình nhà gái đã làm lễ đính hôn cho cặp đôi với sự tham gia của rất đông bà con, họ hàng, đãi khách gần 20 mâm cơm.
"Ở đây có nhiều trường hợp, ví dụ lấy danh nghĩa tổ chức lễ đính hôn nhưng thực chất là chung sống như vợ chồng là vi phạm pháp luật, hoặc là kết hôn thì cũng sai luật. Tới đây, địa phương sẽ vẫn cử cán bộ đi xác minh, điều tra xem lễ đính hôn có phải trá hình hay không, nếu đúng là lễ đính hôn thì vận động, còn ngược lại thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện", ông Ngữ thông tin.
Ông V. (bố chú rể Q.) cho biết, gia đình ông không có ý định cho con trai kết hôn. Tuy nhiên, nhà bà N. đến nhà ông yêu cầu phải cho cặp đôi làm đám cưới. Nếu không ít nhất cũng phải đưa sính lễ để tổ chức lễ đính hôn. Sính lễ gồm 1 đôi bông tai và 1 cặp nhẫn cưới. Vì không có tiền nên ông V. phải vay ngân hàng 45 triệu đồng, tiền lãi 2,5 triệu đồng/tháng.
Ông V. kể rằng do nhà bà N. quá hung dữ nên ông buộc phải chấp nhận yêu cầu để được yên ổn. Khi chính quyền địa phương phân tích rằng làm như vậy là trái pháp luật, ông V. cam đoan sẽ không tổ chức bất cứ lễ cưới nào cho con.
Cũng theo người cha này, con trai ông và nữ sinh chỉ mới quen nhau được 2 tháng. Lúc nhà bà N. sang "bắt đền", gia đình ông V. vẫn chưa biết cặp đôi quen nhau.
"Vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ vì lo sợ, con tôi đủ tuổi mà con người ta thì còn nhỏ nên sợ có chuyện gì xảy ra thì con tôi vi phạm pháp luật. Trước mắt làm lễ đính hôn, đợi vài năm nữa Ng. đủ tuổi thì mới tổ chức lễ cưới đàng hoàng", ông V. thở dài.
Ông Trần Văn Lé – Cán bộ Tư pháp thị trấn Kế Sách nhận định: "Có thể gia đình nhà trai nghĩ rằng con mình đã 'vượt rào' nên tâm lí lo sợ nhà gái gây sức ép, thưa kiện. Chính vì thế, đành phải đồng ý các điều kiện mà thông gia đưa ra để mọi chuyện được êm đẹp. Hiện nay, có rất nhiều trường hợp kết hôn chưa đủ tuổi vướng vòng lao lý".