Đằng sau câu chuyện người mẹ trẻ ném con dẫn đến nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, phía sau còn là một câu chuyện đau lòng khác.
Theo Báo Phunuonline, những ngày gần đây, câu chuyện về một người mẹ ném con được chia sẻ rầm rộ khắp mạng xã hội. Vừa là hung thủ nhưng cũng là nạn nhân - chị Trang (21 tuổi) ném con từ gác trọ đã mất hẳn thị lực – do bị chồng đánh.
Cụ thể, vụ việc xảy ra sau khi hai vợ chồng cự cãi tại phòng trọ. Theo mẹ đẻ của Trang kể, khi bị chồng đánh, từ trên gác, Trang nhảy theo bậc thang xuống đất. Thấy con gái là bé Y. (4 tháng tuổi) nằm ngáng cửa phòng trọ, Trang thốc con đặt mạnh ra cửa phòng. Đứa trẻ khóc thét. Sang lao trên gác xuống, vật vợ nằm ra đất, ngồi trên bụng vợ, đấm liên hồi lên đầu, mặt, mắt của Trang.
Bà Luyến lao đến đẩy Sang ra. Trang vùng dậy ôm đầu, hai mắt nhắm nghiền, chạy vào một phòng trọ hàng xóm. Cô hoảng loạn quơ quào áo quần, bàn ghế, nồi chảo ném tứ tung. Va phải người hàng xóm, Trang đánh túi bụi. Sang tiếp tục lao theo đấm, đá vợ tới tấp. Trang chạy về phòng trọ của mình, mắt nhắm mở thấy bà Luyến đang ngồi dỗ dành Y. ngoài cửa. Cô giật đứa trẻ mang lên gác, ném mạnh xuống đất.
Bà Nguyễn Thị Thủy - 51 tuổi, mẹ Sang, ở một nhà trọ gần đó - cũng có mặt, tức tốc ôm Y. đi cấp cứu. Chiều hôm sau, Trang được cho về để lo cho con. Bà Thủy hay tin, gọi điện thoại nói: “Coi lên bệnh viện chăm con, tao mệt quá rồi”. Trang tính qua hôm sau bắt xe đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) thăm con thì ngay trong tối đó, mẹ chồng gọi báo Trang ở nhà làm giấy tờ cho Y. vì đến lúc này, Y. vẫn chưa có giấy chứng sinh, khai sinh.
Y. là con thứ ba của vợ chồng Trang - Sang. Đến nay, 2 đứa con đầu - 5 và 3 tuổi - vẫn chưa có giấy chứng sinh. “Lần nào sinh con xong, tụi em cũng trốn viện vì sợ bắt đóng tiền” - Trang nói. Đến nay, giữa Trang và Sang vẫn chưa từng có đám cưới, không đăng ký kết hôn. Trang và Sang cùng quê An Giang, tới tỉnh >Bình Dương ở trọ, làm đủ nghề: lượm ve chai, cạo mủ cao su, phụ bán quán cơm, sơn nước. Họ nảy sinh tình cảm rồi sống như vợ chồng. Thấy cuộc sống của 2 người bấp bênh, bà Thủy từng quyết liệt ngăn cấm nhưng không thành.
Khi các con chào đời, cảnh túng thiếu khiến Trang và Sang xảy ra mâu thuẫn, cự cãi. Sang nhiều lần đánh Trang. Khi Trang mang bầu bé thứ hai, Sang cũng đánh vợ, đạp vào bụng bầu rồi vật ngã Trang, bóp cổ. Trang kể: “Lúc điên lên, ảnh đánh cả mẹ em. Hàng xóm sợ mẹ em bị đánh chết, can ngăn mấy lần”.
Sang ngồi kế đó, nói chen vào: “Mày phải sao thì tao mới đánh”. Đôi mắt còn đỏ bầm, Trang cãi: “Em nhịn nhiều nhưng anh cứ hơn thua. Có chồng nào mà mỗi lần đánh vợ là như muốn giết chết”. Cô tiếp: “Giờ thì sao, nếu che mắt trái thì em không nhìn thấy gì”.
Nhưng cô lo lắng: “Chồng em chỉ “không biết gì” khi có rượu, mà ảnh nghiện rồi, ngày nào cũng uống, một mình cũng uống, khi không say thì rất hiền. Mấy đứa con em cũng quấn cha, nên em không nỡ. Lúc mẹ mang bầu em 7 tháng thì cha em mất, em không biết tình cha là thế nào cho đến khi em sinh con, thấy anh Sang thương con…” - Trang bỏ lửng câu nói.
Bà Luyến ngồi cạnh, thở dài không ngừng “giá như”: “Nếu lúc xảy ra vụ việc, nhà có tiền đi khám liền thì mắt Trang đâu đến nỗi như vậy; có tiền thì Trang đâu đi làm đến nỗi lúc trở dạ, hấp tấp vô bệnh viện vấp ngay mấy bậc thang, đẻ rớt Y.; có tiền thì cả hai đâu có suốt ngày cắng đắng, chì chiết nhau…”.
Theo Báo Lao Động thông tin về vụ việc tương tự như trên, ngoài kia, có rất nhiều phụ nữ đang là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ngày nào cũng có những phụ nữ bị đánh đập, bị ép buộc quan hệ tình dục, bị bạo lực về tinh thần...
Người vợ bị chồng đánh đến mất thị lực mới hôm qua vừa đến bệnh viện thăm con khi mắt ngày càng mờ dần. Còn vô số những câu chuyện như thế.
Vì những định kiến đã tồn tại quá lâu đời không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Người phụ nữ bị đặt trên vai quá nhiều trách nhiệm.
Họ vừa phải ra đường đi làm, kiếm tiền. Về nhà, vẫn phải chu toàn mọi bổn phận, trách nhiệm với gia đình. Họ còn phải xinh đẹp, dịu dàng. Rất đông phụ nữ không còn có quyền được sống theo ý họ muốn, không dám sống cho ước mơ, khát vọng của mình.
Ở một phía khác, lại có những người tự cho mình có quyền được kiểm soát, được trấn áp người khác. Họ cho rằng, họ mạnh hơn, họ có quyền được ra tay, được dùng cơ bắp để ép buộc người khác phải sống theo ý họ muốn.
Trong những vụ việc phụ nữ bị bạo hành, dư luận cũng có xu hướng lên án sự chịu đựng, nhẫn nhịn của người phụ nữ. Nhưng... đừng đổ lỗi cho nạn nhân. Chúng ta thường hay có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. “Chắc phải thế nào mới bị chồng đánh”, “chắc ăn mặc hở hang nên mới bị cưỡng hiếp”...
Có những phụ nữ đã cầu cứu, nhưng không được cứu. Họ còn bị định kiến.
Trước khi trách họ, chúng ta nên trách mình. Điều quan trọng nhất với những người phụ nữ ấy, là họ cần sự hỗ trợ, sự giúp đỡ, để ít ra họ thấy mình không đơn độc trong bi kịch. Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, đừng vội lên kế hoạch cao xa, lớn lao. Chỉ cần, thay đổi suy nghĩ của một người, bạn đã giúp cho thế giới thay đổi. Bởi vì, phụ nữ, đàn ông, hay LGBT, chúng ta sinh ra là để chung sống với nhau hạnh phúc ở thế giới này.