Sau khi được truyền 15 lọ huyết thanh chống độc, người đàn ông bị rắn cắn tại Tây Ninh đã dần hồi phục, hiện vẫn đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết bệnh nhân P.V.T (38 tuổi, quê Tân Châu, >Tây Ninh) - người đàn ông >bị rắn cắn đã tỉnh hoàn toàn.
Theo đó, sau khi sử dụng 15 lọ huyết thanh chống độc, sức cơ tứ chi bệnh nhân đã hồi phục tốt, mắt mở to. Bệnh nhân đang tập ngưng sử dụng máy thở. Tuy nhiên, trong 48 giờ tới, bệnh nhân cần được theo dõi những biến chứng về tim mạch vì nọc độc rắn có thể tấn công vào cơ tim gây tử vong.
Theo thông tin ông H. (anh trai bệnh nhân) chia sẻ trên Người lao động, vì gia đình nghèo nên cha con anh T. thường xuyên đi làm thuê ở các vườn mãng cầu.
Sáng 19/8, hai cha con anh T. đang làm ở vườn mãng cầu gần núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) thì phát hiện con rắn hổ mang chúa. Lúc này, người con trai kêu cha bỏ chạy. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn nên anh T. tiếc và quay lại bắt con rắn, hậu quả là bị cắn vào đùi.
Cũng theo nguồn tin trên, hiện gia đình đã đưa con rắn về chôn ngay nơi anh T. bắt được. Được biết, khi bệnh nhân được đưa vào bệnh viện, tứ chi bị liệt, đồng tử giãn nên được truyền 10 lọ huyết thanh. Sau 1 giờ cấp cứu, sức khỏe bệnh nhân cải thiện, mở được 1/2 mắt và phản xạ được ánh sáng. Sau đó, bệnh nhân được tiêm thêm 5 lọ huyết thanh đặc trị. Như vậy đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã được tiêm 15 lọ huyết thanh điều trị nọc độc rắn hổ mang chúa. Cũng theo bác sĩ Sang, đa số các trường hợp rắn cắn xong bỏ chạy hoặc nạn nhân bỏ chạy nhưng trường hợp như anh T. mang cả con rắn 4,6kg đến bệnh viện là >chuyện hy hữu.
Bệnh nhân T. khá may mắn vì đa số các nạn nhân đều bị cắn nhiều lần nên lượng độc đưa vào cơ thể rất nhiều. Nhưng trường hợp của anh T. chỉ bị cắn 1 lần. Các bác sĩ khuyên mọi người đi làm rẫy nên mang ủng cao su để tránh bị rắn độc cắn.