Thông tin về vụ hỏa hoạn khiến 1 người chết và 5 người bị thương tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội khiến dư luận xôn xao. Được biết, một nữ nghi phạm đã bị bắt để điều tra vụ việc.
Theo VietNamNet, vào ngày 31/3, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP >Hà Nội nhận được tin báo về đám cháy tại địa chỉ số 4, ngõ 60 đường Phú Đô, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngay sau đó, Trung tâm thông tin Chỉ huy điều động tổng cộng 7 xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ, xe chỉ huy cùng hơn 30 cán bộ chiến sỹ thuộc Phòng PC07 và Công an quận Nam Từ Liêm xuống hiện trường cứu nạn, tổ chức chữa cháy.
Khoảng 19 giờ 12 phút, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp cận đám cháy và nhanh chóng triển khai hướng dẫn thoát nạn, cứu người và tổ chức chữa cháy. Đến 19 giờ 20 phút, đám cháy được khống chế, không để ngọn lửa cháy lan sang các công trình và nhà dân lân cận. Đám cháy được dập tắt hoàn toàn khoảng 10 phút đó.
Theo cảnh sát, khu vực cháy là nơi để xe ở tầng 1 thuộc nhà 5 tầng, 1 tum, kết cấu bê tông cốt thép, diện tích mặt sàn khoảng 170 mét vuông. Một người đã tử vong. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cứu được năm người bị thương (trong đó có bốn trẻ em) và đưa đi cấp cứu kịp thời, hướng dẫn thoát nạn an toàn cho bảy người.
Theo Tuổi Trẻ, sáng ngày 1/4, đại diện Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đơn vị đã bắt giữ một nghi phạm là nữ giới để điều tra về vụ hỏa hoạn làm 1 người chết, 5 người bị thương, xảy ra tại nhà trọ ở ngõ 60 phố Phú Đô.
Theo báo An ninh Thủ Đô, chia sẻ về vụ việc dưới góc nhìn pháp luật, luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi phạm tội của nghi phạm rất nghiêm trọng, không những xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn gây tổn hại đến sức khoẻ, tước đi tính mạng của người khác.
Xét hành vi khách quan của nghi phạm thể hiện ý thức chủ quan cố ý. Nghi phạm biết trong khu nhà trọ có nhiều thành viên đang sinh sống, việc phóng hỏa đốt xe sẽ làm >cháy nhà gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác, nhưng vẫn cố ý thực hiện (châm lửa đến 3-4 lần).
Với hậu quả làm chết 1 người, 5 người khác bị thương và thiệt hại về tài sản do cháy, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, nghi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Giết người và Hủy hoại tài sản. Kết quả định giá tài sản thiệt hại sẽ là căn cứ xử lý nghi phạm tương ứng - Luật sư Thu nhận định.
Về hành vi đốt xe máy, gây cháy xe, cháy nhà, Điều 178 BLHS 2015 về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nêu rõ, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.
Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng; Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Để che giấu tội phạm khác… thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Phạm tội gây thiệt hại tài sản trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm.
Trường hợp có đủ căn cứ cho rằng hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, nhằm mục đích xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người thì hành vi huỷ hoại, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trở thành thủ đoạn của hành vi giết người, hoặc cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho >sức khỏe của người khác.
Điều 123 BLHS 2015 quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Có tính chất côn đồ; Vì động cơ đê hèn… thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm.
Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi huỷ hoại tài sản của người khác còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều 589 BLDS 2015 nêu rõ, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại - Luật sư Thu nhấn mạnh.