TS Đào Tuấn Đạt – Lãnh đạo Trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Cô giáo, phụ huynh, cán bộ nhà trường, những người đòi bắt giam phụ huynh, xử phạt phụ huynh... đã quên những đứa trẻ như nền giáo dục này vẫn bỏ quên học sinh.
Những ngày qua, câu chuyện về việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ vì trách phạt học sinh xảy ra tại Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) tiếp tục có nhiều diễn biến mới thu hút sự chú ý của dư luận.
Trong đó, tối ngày 9.3, Thường trực Đảng ủy xã Nhựt Chánh (huyện Bến Lức) đã họp để đưa ra hình thức kỷ luật với ông Võ Hòa Thuận - phụ huynh bắt ép cô giáo quỳ tại văn phòng Trường Tiểu học Bình Chánh. Thường trực Đảng ủy xã đã thông qua quyết định khai trừ Đảng đối với ông Võ Hòa Thuận. Lí do, ông Thuận có hành vi vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, những điều Đảng viên không được làm và làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.
Trước những tranh cãi của người lớn, TS Đào Tuấn Đạt – Lãnh đạo Trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: Vụ cô giáo quỳ gối theo yêu cầu của phụ huynh nếu đem phân tích thì có nhiều điều để nói. Đây không còn là chuyện giáo dục đơn thuần, mà là chuyện xã hội đã bộc lộ đỉnh điểm của thiếu nhân tính. Đáng tiếc là lại bộc lộ ngay trong trường học. Nơi cuối cùng cho người ta hi vọng vào sự tử tế và đạo đức của xã hội.
Thế nhưng, với những gì hiện tại đang diễn ra, cô giáo, phụ huynh, cán bộ nhà trường, những người đòi bắt giam phụ huynh, xử phạt phụ huynh... đều tham gia vào hành hạ, lên án người khác chứ không hề nghĩ đến mấy chục học sinh bé tí đang không hiểu chuyện gì xảy ra. Đây là điều đau đớn và tội lỗi!
Đồng quan điểm, chia sẻ với báo chí, GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng: Chúng ta nên dừng chuyện tranh cãi đúng sai. Việc giáo dục nói chung và giáo dục trẻ em nói riêng luôn luôn đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng xã hội và nhất là đòi hỏi sự quan tâm đúng cách của nhà trường, gia đình và mọi người trong xã hội.
Trong vụ việc này, mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường trong việc giáo dục trẻ đã bị cắt đứt gây ảnh hưởng không nhỏ tới các em. Đến thời điểm này, chúng ta không nên tranh cãi theo hướng ai đúng ai sai nữa, càng tranh cãi càng gây tổn thương về mặt tâm lý và việc học của các em.
Các chuyên gia cùng nhận định rằng, thay vì việc đổ lỗi cho nhau, người lớn nên cùng nhau tập trung giải quyết sự việc một cách hài hòa, nhanh nhất. Mỗi người đều phải tự nhìn nhận lại hành động của mình. Giáo viên cũng phải thấy những điều chưa hợp lý trong việc trách phạt học sinh. Phụ huynh cũng cần xem xét lại hành vi không chuẩn mực của mình đối với giáo viên. Từ đó, mỗi người rút ra những kinh nghiệm điều chỉnh hành vi, ứng xử cho chính mình.