Lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, những trường hợp trở về từ các địa phương có dịch Covid-19 cần phải được coi như người nhập cảnh và phải quản lý, giám sát thật chặt chẽ.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tính đến ngày 18h ngày 17/10, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 17 ca mắc Covid-19 là những người trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch.
Trong đó, riêng ngày 17/10, ghi nhận 5 ca mắc Covid-19 trở về từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Điều đáng nói, trong số 17 ca mắc Covid-19 trở về từ các địa phương có dịch đã có trường hợp không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch của ngành y tế.
Như trường hợp chị N.T.D.V (nữ, sinh năm 1994, thường trú tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội), đang ở cùng bạn tại số 8 phố Đình Ngang, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.
Từ ngày 11 đến 12/10, chị V. đã đi ô tô chung từ TP. HCM về Hà Nội. Sau khi về Hà Nội, chị V. về số 8 Đình Ngang rồi tiếp tục đi đến nhiều nơi trên địa bàn thành phố, thậm chí làm móng, tóc ở một cửa hàng tại Hai Bà Trưng và tiếp xúc với nhiều người.
Đến 23h ngày 15/10, khi nhận được thông tin 2 vợ chồng ở Cát Linh (Đống Đa) đi cùng ô tô từ TP.HCM ra Hà Nội có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, chị V. làm test nhanh cho kết quả dương tính. Sau đó, chị mới cách ly tại nhà, thông tin cho Trạm Y tế phường Cửa Nam.
Lúc 2h sáng 16/10, ngay sau khi nắm thông tin về ca bệnh, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm đã lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân này và gửi tới CDC Hà Nội. Kết quả xét nghiệm RT-PCR vào trưa ngày 16/10 khẳng định, chị V. dương tính với SARS-CoV-2.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân V. có lịch trình di chuyển rất phức tạp.
Theo đó, bệnh nhân này về từ TP.HCM trên ô tô có 24 người. Trong đó, ngoài cô gái này đã có một số người mắc Covid-19.
Kết quả điều tra truy vết đã có 9 trường hợp F1, trong đó có 5 F1 tại phố Đình Ngang; 2 F1 tại phố Hàng Bông và 2 F1 tại quận Thanh Xuân và quận Long Biên.
Hiện tại, UBND phường Cửa Nam đã tạm thời phong tỏa phố Đình Ngang và phối hợp với Trung tâm Y tế quận lấy 119 mẫu xét nghiệm RT-PCR (gồm các trường hợp F1 và người dân trong khu vực tạm thời phong tỏa) gửi CDC Hà Nội.
Trường hợp bệnh nhân F0 đã được đưa đi điều trị tại Bệnh viện dã chiến quận Hoàng Mai. Các F1 cũng đã được đưa đi cách ly tập trung và thực hiện cách ly tại nhà với các F2. Quận cũng đã phun khử khuẩn môi trường tại những khu vực có liên quan.
Từ trường hợp này, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm nêu rõ, theo hướng dẫn của ngành y tế, người về từ TP.HCM chỉ thực hiện theo dõi >sức khỏe tại nhà nên đòi hỏi phải có ý thức tự giác rất cao trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, không để dịch bệnh lây lan.
Tuy nhiên, thực tế, việc di chuyển của bệnh nhân V. những ngày qua cho thấy, chị này đã không có ý thức tự cách ly tại nhà mà đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.
Về việc xử lý trường hợp này, lãnh đạo quận cho biết, hiện tại bệnh nhân đang được đưa đi cách ly, điều trị nên sẽ có xem xét cụ thể.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cũng đề nghị, để tránh xảy ra trường hợp tương tự như trên, cần có sự giám sát, theo dõi chặt chẽ đối với những người về Hà Nội từ các địa phương có dịch.
Trong đó, nên giao cho địa phương theo dõi, giám sát và chịu trách nhiệm về việc thực hiện theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà của những người về từ vùng có dịch.
Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, UBND xã, phường, thị trấn sẽ xử phạt theo quy định. Nếu nơi nào để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, địa phương và người đó, phải chịu trách nhiệm.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cũng cho rằng, khi người trở về Hà Nội từ các vùng có dịch càng nhiều, thì nguy cơ số ca nhiễm sẽ nhiều lên và đây là điều đã được dự báo.
Để tránh nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng, theo ông Tuấn, cần tinh thần tự giác của mỗi người khi từ vùng dịch trở về Hà Nội.
Trong đó, người dân đi về phải ký cam kết tuân thủ nghiêm theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú (trong vòng 7 ngày), khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Đối với trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và tư vấn kịp thời.
Cũng theo ông Tuấn, những trường hợp trở về từ các địa phương có dịch cần phải được coi như người nhập cảnh. Do đó, để quản lý tốt những trường hợp này cần có sự phối hợp liên ngành thật chặt chẽ.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng chỉ rõ, hiện nay, việc cung cấp danh sách những trường hợp trở về bằng đường hàng không tương đối đầy đủ, nhưng với đường bộ và đường sắt, việc cung cấp danh sách này còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, lãnh đạo CDC Hà Nội đề nghị Sở GTVT cần yêu cầu các nhà xe, hãng xe, Tổng công ty Đường sắt thực hiện nghiêm việc thông báo danh sách những người trở về Hà Nội từ các địa phương có dịch.
Khi những trường hợp này về các quận, huyện, thị xã thì việc giám sát, quản lý của chính quyền địa phương phải được nâng lên một mức.
Cụ thể, UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo xã, phường và các lực lượng liên quan tiếp nhận thông tin người dân về trên địa bàn và quản lý chặt chẽ; giao công an khu vực và tổ Covid-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ, đồng thời phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
Thậm chí, hàng xóm xung quanh thấy người từ nơi khác về địa phương không thực hiện việc khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch có thể báo cáo chính quyền địa phương.
Với những trường hợp không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch cần phải xử lý nghiêm theo quy định.