Từ việc tổng giám đốc nghi trầm cảm giết vợ con ở khu đô thị Sala, TP.HCM, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương (Hà Nội), cho biết không chỉ phụ nữ mà nhiều nam giới hiện nay mắc trầm cảm.
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, liên quan đến vụ bốn người trong một gia đình thương vong được phát hiện vào sáng 13/5 tại khu đô thị Sala, phường An Lợi Đông, người chồng được xác định là tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, nghi bị> trầm cảm, giết vợ con rồi nhảy lầu tự tử.
Người chồng tên HNH (khoảng 40 tuổi), Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu được xác định là nghi phạm.
Ông H cùng vợ là chị LTMX (35 tuổi), con trai HCH (7 tuổi) và con gái HBA (3 tuổi) sống tại tầng 4 toà nhà Sarina 1, khu đô thị SaLa, phường An Lợi Đông.
Trước đó, ông H được xác định có dấu hiệu trầm cảm.
Khoảng 5 giờ sáng ngày 13/5, ông H đã dùng dao tấn công vợ cùng hai con rồi lao ra ban công nhảy lầu tự tử.
Nghe tiếng động mạnh, người dân lại gần kiểm tra thì phát hiện ông H đã tử vong nên trình báo công an.
Qua khám nghiệm hiện trường và kiểm tra căn hộ ông H sinh sống, công an tiếp tục phát hiện vợ cùng hai con ông này đang nguy kịch với nhiều vết thương trên cơ thể.
Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu, tuy nhiên bé gái 3 tuổi đã tử vong ngay sau đó.
Hiện vợ và con trai 7 tuổi của ông H tạm thời đã qua cơn nguy kịch và đang được các y bác sĩ tích cực điều trị.
Qua công tác khám nghiệm hiện trường và điều tra, lực lượng chức năng xác định ông H có dấu hiệu bị trầm cảm, không phát hiện có dấu hiệu của người lạ vào trong căn hộ.
Dẫn tin từ Tạp chí Tri thức và Cuộc sống, trầm cảm là bệnh tâm thần phổ biến hiện nay. Người mắc bệnh thường có cảm giác buồn bã, tuyệt vọng dữ dội và lặp đi lặp lại, mất hứng thú với các hoạt động bản thân yêu thích, cô lập khỏi các mối quan hệ, liên tục chỉ trích bản thân, thất vọng, khó chịu với những thất bại nhỏ, thiếu năng lượng, luôn cảm thấy trống rỗng dù vẫn làm việc bình thường.
Triệu chứng khác là thèm hoặc chán ăn, thay đổi cân nặng, không còn niềm vui, có cảm giác tội lỗi hoặc trống rỗng, tránh tiếp xúc xã hội. Một số người dễ sa đà vào các thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc lá, cờ bạc, rượu chè, quan hệ tình dục không an toàn hoặc các hành vi nguy hiểm khác để cải thiện tâm trạng, từ đó ảnh hưởng >sức khỏe thể chất và tinh thần.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 850.000 người chết vì trầm cảm. Tại Việt Nam, trầm cảm, rối loạn lo âu hiện len lỏi trong xã hội, ước tính khoảng gần 6 triệu người mắc bệnh.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương (Hà Nội), cho biết không chỉ phụ nữ mà nhiều nam giới hiện nay mắc trầm cảm. Tuy nhiên, việc liên tục phải thể hiện bản thân như trụ cột mạnh mẽ, độc lập, là chỗ dựa cho gia đình, khiến nhiều nam giới không được sống và thể hiện đúng cảm xúc. Sự kìm nén lâu dài có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, phổ biến là trầm cảm.
Theo bác sĩ Thu, tư tưởng đàn ông là những người mạnh mẽ, thành đạt, không sợ hãi, biết kiểm soát và quan trọng nhất là không để lộ cảm xúc xuất phát từ hàng nghìn năm tiến hóa. Thực tế, "trọng nam khinh nữ" hằn sâu trong văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa người Việt nói riêng, sinh ra những tư tưởng nam tính độc hại. "Đàn ông Việt cô đơn, đối diện với các vấn đề cơm, áo, gạo, tiền mà thiếu sự đồng cảm của gia đình và xã hội khi xem đó là trách nhiệm của phái mạnh, khiến họ bị lo âu, trầm cảm", bà Thu cho hay.
Theo bác sĩ Thu, stress là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại, điều quan trọng là cần nhận ra bản thân gặp vấn đề và đánh giá tình trạng này ở góc độ tích cực. Từ đó, mỗi người nên học và tập luyện các kỹ năng ứng phó để giúp tâm lý cân bằng, không căng thẳng mạn tính, nguy cơ cao dẫn đến các bệnh nghiêm trọng khác. Các kỹ năng được bác sĩ khuyến cáo là thiền, tập thể dục như chạy bộ, ăn uống lành mạnh, tìm ra các thú vui, gặp gỡ bạn bè, hoạt động thiện nguyện... Trường hợp nặng nên khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý hành vi.