Theo Luật sư, người cha cho rằng "tôi không đẻ, tôi không nuôi" không những thể hiện sự thiếu trách nhiệm với con mình mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi vào ngày 18/5, đại diện Tòa án nhân dân tỉnh >Bắc Giang đã xác nhận một bé trai khoảng 5 tuổi bị bố đẻ bỏ rơi tại Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang kèm tờ giấy có dòng chữ: "Tòa giải quyết đơn phương cho cô Đào Thị Lợi, nay tôi mang đứa con nhờ tòa trả lại cho cô Lợi mẹ nó. Tôi không đẻ, tôi không nuôi". Cụ thể, vào khoảng 8h cùng ngày, người bố mang theo cháu bé đến Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, trụ sở tại xã Tân Tiến (TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bỏ lại rồi ra về.
Trước đó, vào năm 2019, người đàn ông này ly hôn với vợ tại tòa. Đến nay, người đàn ông này đã mang con đẻ của mình đến toà án kèm tờ giấy ghi nội dung như trên.
Sau khi người đàn ông nói trên bỏ lại con trai tại tòa, tòa đã nhiều lần liên hệ với gia đình nhưng không ai đến đón. Hiện tòa đã làm giấy bàn giao cho UBND xã Tân Tiến, nhờ chính quyền địa phương liên hệ với người thân cháu bé đến nhận cháu về.
"Trời thì nắng nóng, nhìn cháu bé bị bỏ rơi tại tòa rất đáng thương. Chúng tôi đã liên hệ với gia đình cháu nhưng không ai đến nhận. Hiện đã bàn giao cho UBND xã Tân Tiến. Bố mẹ cháu không đến nhận thì hy vọng ông bà nội, ngoại sẽ đến đón cháu về", vị đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang thông tin thêm.
Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo khoản 1 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi ly hôn, cha, mẹ có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Do đó, người cha cho rằng "tôi không đẻ, tôi không nuôi" không những thể hiện sự thiếu trách nhiệm với con mình mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng thời, theo Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Lưu ý thêm, căn cứ vào Điều 84 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trong trường hợp cha, mẹ của cháu bé không đến nhận con (vì không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con) thì người thân thích của cháu bé; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi cháu nhằm đảm bảo được quyền lợi cho cháu bé này.