Ngăn cản không cho mẹ đẻ đứa trẻ gặp con là cách ông bố này thương con ư? Nếu thương như vậy vì sao lại để con mình chết dưới tay nhân tình?
Vụ >bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị "mẹ kế" bạo hành đến chết khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Trách người phụ nữ kia xuống tay độc ác người ta càng trách bố đứa trẻ vì sao không bảo vệ con mình bội phần. Chuyện bạo hành theo lời kể của hàng xóm đã xảy ra trước đó khá lâu do tiếng quát tháo, la mắng, khóc lóc của bé đã xảy ra như cơm bữa.
Thậm chí khi bảo vệ ý kiến vì nhận được nhiều phản ánh từ hàng xóm xung quanh về tiếng khóc, la hét của đứa trẻ, thì cha đứa bé trả lời tỉnh queo "đây là chuyện riêng gia đình". Hậu quả là giờ nó đã không là câu chuyện riêng của nhà anh ta nữa khi con anh đã phải trả giá bằng mạng sống vì câu trả lời vô tâm và dửng dưng như thế của một người cha.
Mặc dù "mẹ kế" đã khai nhận tội là người trực tiếp gây ra cái chết của đứa trẻ, nhưng vai trò người cha trong câu chuyện này vẫn là một dấu hỏi lớn.
Bởi sự thật là: Nếu cha ruột nâng niu con trẻ thì mẹ kế nào dám động đến con?
Ly hôn không phải là cái tội nhưng hậu ly hôn thiếu tình yêu thương với con trẻ là một lỗi lớn
Ly hôn không phải là điều người ta mong muốn nhưng nó vẫn xảy ra khi cha mẹ không còn có thể chung đường. Điều người lớn day dứt nhất sau 1 cuộc ly hôn không phải là sợ mình cô đơn, mà chính là sợ đứa trẻ sống tiếp sẽ khó khăn khi thiếu cha hoặc mẹ.
Tuy nhiên, người lớn không thể gượng gạo mà sống tiếp với nhau chỉ để trẻ con có 1 gia đình đủ người. Bởi bản chất gia đình đó đã không còn phần linh hồn và hơi ấm thì việc níu giữ ấy cũng không còn ý nghĩa. Nhưng quan trọng hơn là sau khi ly hôn thái độ của cha mẹ với con cái như thế nào.
Cha mẹ có thể không có để lại cho con của nả, không xây cho con 1 gia đình trọn vẹn như số đông, nhưng nếu tình yêu thương dành cho con không bao giờ ngưng nghỉ thì đứa trẻ vẫn sẽ được sống trong 1 "cuộc ly hôn hạnh phúc".
Tuy nhiên, vẫn có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra như thế: Mẹ kế bạo hành con gái người tình đến chết, cha dượng xâm hại con riêng và giết hại đứa trẻ... Còn bao nhiêu đứa trẻ khuyết thiếu cha mẹ khác bị bạo hành bằng những tổn thương về thể xác và tinh thần nặng nề như thế? Vì vậy, nhiều người đổ tội cho đó là cái giá phải trả của ly hôn. Nhưng nhìn lại cũng sẽ thấy có bao nhiêu trường hợp cha mẹ ly hôn, nhưng đứa trẻ vẫn sống đủ đầy hạnh phúc, vẫn có đủ tình yêu của cả cha và mẹ để chúng không cảm thấy mình thiệt thòi.
Vì sao khi bắt đầu với mối quan hệ mới, người có con riêng luôn phải thận trọng?
Vậy nên, rời khỏi 1 cuộc hôn nhân với "tệp đính kèm", người ta luôn phải thận trọng khi yêu ai đó hoặc khi xây mối quan hệ với người mới, vì yêu đương lúc này khác với thời thanh xuân rảnh rang rất nhiều. Họ phải cân đo đong đếm sao cho có thể vừa vặn, sao cho con mình cảm thấy an toàn, thấy vui họ mới dám bước tiếp, chứ không chỉ đơn thuần yêu là cưới hoặc chỉ xét trên khía cạnh tình cảm của bản thân.
Cha mẹ có thể không cho con 1 gia đình đủ đầy như người ta nhưng tình yêu thương, sự quan tâm là điều cha mẹ luôn có để dành cho con, đó là điều không bao giờ thay đổi, nếu nghĩ được thế mọi chuyện đã khác.
Người ta vẫn nói rằng, tình yêu thương của cha mẹ là vô điều kiện. Tuy nhiên, với câu chuyện của bé gái ́8 tuổi bị "mẹ kế" bạo hành đến chết thì người ta thực sự không hiểu cha đứa trẻ vì sao đã có thể đứng ngoài cuộc, đồng tình với chuyện để người tình bạo hành đứa trẻ nhiều lần, cho đến một ngày có một cái chết thảm thương như thế.
"Ba đã cấm con không gặp mẹ rồi mà, sao mẹ gặp con làm gì? Mẹ ơi, mẹ đừng có khóc", câu nói ám ảnh cuối cùng được mẹ đẻ đứa trẻ kể lại đầy ngậm ngùi và cay đắng đến thế. 1 năm trời bị người cha ngăn cản không cho gặp, sự thực lại chỉ là sự "chiếm hữu" nhân danh người nuôi con hợp pháp, còn điều cần thiết hơn là học cách làm cha anh ta lại quên mất.
Liệu có chăng 1 cuộc chiến giành con như chiến lợi phẩm nhưng lại thiếu tình yêu thương, sự chăm sóc và quan tâm dành cho con? Bà mẹ thì "lực bất tòng tâm", ông bố thì tự tung tự tác cho mình cái quyền được "sở hữu", "thương con cho roi cho vọt" đến mức mất 1 mạng người.
Vì anh ta ngồi im hoặc "đồng lõa" nên "mẹ kế" mới có thể liều lĩnh dạy dỗ đứa trẻ theo cách man rợ như thế. Vì thế, trách bà mẹ kế 1 phần, người ta trách ông bố 10 phần.
Đừng đổ lỗi cho hôn nhân hay ly hôn, năng lực và sự hiểu biết của người làm cha mẹ là chuyện vô cùng cần thiết. Và càng trong 1 gia đình khuyết thiếu hãy càng dành cho con nhiều hơn tình yêu, sự thấu hiểu và hiểu biết về cách làm cha mẹ đúng, cũng có khi còn để cho cha, mẹ kế nhìn vào.
Nếu cha đứa trẻ yêu con đến vây, tâm lý đến vậy, thì làm sao họ dám động vào con riêng của chồng dù chỉ là một sợi tóc?
Đừng sinh con khi chưa học được cách cơ bản làm cha mẹ
Vụ án thương tâm này đã không còn cách chữa vì mạng sống đứa trẻ, tiếng cười của đứa trẻ và cả tiếng khóc của cô bé đã lịm tắt rồi. Nhưng có lẽ bài học hậu chia tay cho ai đó rời 1 cuộc hôn nhân với "tệp đính kèm" vẫn là cần thiết:
- Đừng đẻ con khi chưa học được cách cơ bản để làm cha mẹ.
- Cha mẹ ly hôn văn minh đứa trẻ sẽ giảm thiểu được sự thiệt thòi.
- Hãy để cho con tài sản lớn nhất là tình yêu thương để đứa trẻ có thể tự hào mà nói rằng: "Con thật hạnh phúc khi được làm con cha (mẹ)".
- Trước khi tái hôn hãy cân nhắc về sự thiệt hơn cho con mình.
- Đòi cha mẹ kế yêu thương con mình như con đẻ rất khó, nhưng trước tiên đừng bao giờ ngừng yêu thương con trẻ. Người yêu bạn sẽ ít nhất sẽ biết cách cư xử đàng hoàng với 1 đứa trẻ.
- Tình yêu đôi lứa không có lỗi, nhưng đừng đánh đổi hạnh phúc con cái để lấy điều đó.
- Người bước chân vào 1 cuộc hôn nhân với người đã có "tệp đính kèm" hãy xác định nếu đủ tình yêu thương với con trẻ thì hãy bước tiếp, nếu không đừng bước chân vào.