Đoạn clip ghi lại cảnh bé gái 3 tuổi bị bé trai hàng xóm đánh đấm, cầm roi quật, đau đớn, khóc thét khiến ai xem cũng phẫn nộ.
Theo thông tin từ VietNamNet, mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một bé trai vào nhà gọi bé gái dậy nhưng không được nên đánh liên tục vào người bé gái, khiến dân mạng phẫn nộ.
Được biết, sự việc xảy ra tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Chị Chu Thị Hồng Nhung (mẹ nuôi) >bé gái bị đánh trong clip cho biết, sự việc xảy ra vào ngày 14/4.
“Bé nhà tôi tên là T.A, năm nay 3 tuổi, cháu bình thường đi học, thế nhưng hôm xảy ra sự việc là ngày Chủ nhật nên con được nghỉ, ở nhà với bà nội. Trưa hôm đó, con ngủ cùng bà và anh trai ruột, sau đó 2 người này dậy trước còn T.A tiếp tục ngủ”, chị Nhung cho biết.
Tối 14/4, khi chuẩn bị đi ngủ, thay đồ cho con gia đình thấy những vết bầm tím trên người T.A nên xem lại camera thì phát hiện con bị bạo hành một cách dã man.
Theo hình ảnh trong camera, vào khoảng gần 16h, bé T.A đang nằm ở nhà thì bé trai nhà hàng xóm tên M. (6 tuổi) sang chơi.
“Cháu M. chạy vào gọi con gái tôi dậy nhưng không được nên đã đánh liên tục vào con bé, thậm chí còn lấy dây đồ chơi quất mạnh vào người con, khiến con liên tục khóc lớn”, chị Nhung kể.
Chị Nhung cho biết, sự việc xảy ra trong phòng đồ chơi của gia đình được đóng kín cửa, thế nên bé T.A khóc rất to nhưng bà nội không nghe thấy.
“Tôi vừa là mẹ nuôi vừa là bác ruột của cháu, từ nhỏ con đã ở với tôi. Cách đây khoảng 4 tháng, em gái tôi mua nhà mới, cách nhà tôi khoảng 1km rồi chuyển ra đây sống. Cháu trai sang đánh con nhà tôi cũng là hàng xóm mới”, chị Nhung cho biết.
“Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi đã lập tức gửi clip cho gia đình nhà bé trai và gia đình họ đã sang xin lỗi”, chị Nhung cho biết.
Theo chị Nhung, trước đây bé trai hàng xóm từng nhiều lần bế T.A bỏ vào sọt đồ chơi rồi đậy nắp lại. Chị Nhung và mẹ đẻ của T.A đã nói chuyện với bố mẹ của cậu bé hàng xóm để nhắc nhở con.
Gần đây, chị thấy các cháu chơi với nhau không có vấn đề gì, cậu bé hàng xóm cũng nhường đồ chơi cho T.A và rủ cô bé sang nhà chơi.
Đến trưa ngày 15/4, gia đình chị Nhung và bố mẹ cháu trai đã đưa T.A đi khám ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Rất may bé T.A chỉ bị tổn thương mô mềm phần mông.
Chị Nhung cho biết, hiện tại tâm lý của cháu T.A cũng tạm ổn, bé ăn được, ngủ được, không khóc, không ngủ mơ nhưng sợ gặp anh hàng xóm.
“Gia đình chúng tôi chưa báo lên cơ quan công an vì cháu M. vẫn còn nhỏ. Thế nhưng, tôi đăng lên mạng xã hội để làm bài học cảnh tỉnh cho các phụ huynh khác”, chị Nhung cho biết.
Ngay sau khi clip được đăng tải, rất nhiều người xem đã bày tỏ sự bàng hoàng, phẫn nộ, đặc biệt là những bậc cha mẹ có con nhỏ.
Liên quan đến vụ việc, dẫn tin từ Dân Việt, TS Chu Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Giáo dục, giảng viên Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Xem clip tôi rất bất bình về hành vi này. Một đứa trẻ 6 tuổi bạo hành liên tiếp lên đứa trẻ khác một phần do người lớn không chỉ bảo đến nơi đến chốn, cũng có thể do ảnh hưởng bởi hành vi của bố mẹ, mọi người xung quanh nên cậu bé ấy đã bắt chước".
TS Hồng Nhung cũng nhấn mạnh: "Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trẻ em là các đối tượng dưới 16 tuổi (Điều 1, Luật trẻ em 2016) có rất nhiều chuyển biến và non nớt về thể chất, tâm sinh lý, do vậy, đây là nhóm xã hội dễ bị tổn thương, cần được quan tâm, bảo vệ và đảm bảo các quyền hợp pháp theo quy định.
Bên cạnh đó, chính bố mẹ cũng phải đảm bảo quyền của trẻ em, hướng dẫn con tự bảo vệ bản thân và đặc biệt không xâm hại đến người khác".
Viện y học ứng dụng Việt Nam nêu nguyên nhân, hành vi bạo lực được định nghĩa là những hành động mạnh mẽ, có tính chất thù địch được sử dụng để đe dọa và làm những người khác sợ hãi. Ở trẻ em, hành vi bạo lực tồn tại dưới một vài dạng khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi và môi trường sống của trẻ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thể hiện hành vi bạo lực và gây hấn thông qua: Quấy khóc; Cắn đồ vật hoặc người; Đánh lại người khác
Những trẻ độ tuổi học đường thể hiện hành vi bạo lực thông qua: Tranh luận; Đánh nhau; Cấu véo bạn bè; Đe dọa người khác; Bắt nạt bạn bè; Có những hành vi gây rối và thách thức trong trường học.
Khi trẻ xuất hiện những hành vi có tính chất bạo lực và gây hấn, đây vừa là hồi chuông cảnh báo vừa là một thử thách không nhỏ đối với gia đình, nhà trường và những người chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, nên nhớ rằng trẻ em khi sinh ra không hề mang sẵn tính bạo lực; tất cả những hành vi tiêu cực tại thời điểm hiện tại là hậu quả từ rất nhiều những tác động từ môi trường xung quanh.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho biết, hành vi bạo lực của trẻ ngày nay chính là hệ quả những hành vi bạo lực của trước hết là cha mẹ, giáo viên và người lớn ứng xử với trẻ trước đây khi chúng còn nhỏ.
Muốn con không hành xử bạo lực, cha mẹ trước hết phải học cách quản lý cảm xúc của mình, phải ý thức rõ để tự học và tự thực hành kỹ năng làm cha mẹ tích cực. Tương tự ở trường, giáo viên cũng cần học cách kiểm soát cảm xúc bản thân để ứng xử với các em theo nguyên tắc kỷ luật tích cực.
Nhìn nhận trẻ có hành vi bạo lực như sự thiếu hụt các kỹ năng. Cha mẹ và giáo viên thay vì quy gán con là đứa hư hỏng hay cháu là học sinh cá biệt, hãy trang bị thêm cho con các kỹ năng như nhận diện và diễn giải vấn đề một cách khách quan; giải quyết vấn đề linh hoạt, nhận diện và hiểu cảm xúc người khác; kiểm soát hành vi - cảm xúc bản thân.