Mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Tân (Hải Châu, Đà Nẵng), vợ của bị can Nguyễn Hữu Linh (SN 1958) có bức tâm thư gửi cộng đồng mạng, mong muốn các cư dân mạng không gây thêm tổn thương cho bà và các con, cháu của bà.
Ông Linh đã bị Công an quận 4 (TP HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 bộ Luật Hình sự năm 2015, làm nóng dư luận suốt thời gian qua.
Thời gian này, với mong muốn vụ án phải được khởi tố, cộng đồng mạng liên tục có những động quá khích như xịt sơn, bôi bẩn lên cổng nhà ông Nguyễn Hữu Linh (tại đường Lê Lợi, quận Hải Châu, Đà Nẵng); tạo và ấn định từ “Linh nựng” trên google map khi gõ tên bị can này, in nhiều hình ảnh ông Linh kèm yêu cầu khởi tố “Linh ấu dâm”… dán trên xe và các nơi công cộng.
25 ngày qua, bà Trần Thị Thanh Tân cho biết, đó là khoảng thời gian khó khăn và đau khổ nhất trong cuộc đời mình. “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi viết lá thư này… Khi gửi lá thư này, tôi và các con tôi đã tạm rời nơi chúng tôi sinh sống, nhưng đến ngày hôm nay tôi phải thừa nhận rằng, tôi và các con tôi đã không chịu nỗi sức ép từ các bạn, từ dư luận và xã hội”, bà Tân viết.
Bà Tân cũng thừa nhận, hành động của chồng mình không đúng. Bà gửi lời xin lỗi và chịu trách nhiệm trước những sai lầm và cũng tin tưởng đến quá trình điều tra khách quan của CQĐT Công an quận 4 TP HCM).
“Là người mẹ, người vợ, tôi thấy rằng mình phải chịu một phần trách nhiệm trong việc này, nhưng con tôi, các cháu không có tội. Sự việc lần này nó như bản án chung thân đối với gia đình tôi, nó sẽ là ký ức đau buồn mà suốt cuộc đời này tôi không bao giờ quên”, cũng lời bà Tân bày tỏ trong thư.
Theo bà Tân, vụ án đang được CQĐT làm việc, nhưng khi cộng đồng mạng quá khích đã đưa hình ảnh ngôi nhà, con cái của bà lên mạng khiến bà và các con của mình “từ người có nhà đã không dám về, không dám bước ra đường vì cảm giác sợ hãi luôn hiện trước mặt, cuộc sống bị đảo lộn, tình thần bị tổn thương kinh khủng”.
Vì thế, bà viết tâm thư, mong muốn cộng đồng mạng kết thúc sự việc ở đây để không gây thêm tổn thương cho con cái mình khi “sự chịu đựng đã vượt quá giới hạn bản thân”.
Trong 1 diễn biến khác liên quan việc khởi tố vụ án Nguyễn Hữu Linh, trao đổi với PLVN, luật gia Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội kiêm Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách TP Đà Nãng, kết quả của việc khởi tố về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với ông Nguyễn Hữu Linh là một quyết tâm cao của cơ quan tố tụng, khi vượt qua những khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ, trong hoàn cảnh quy định của những loại tội này còn nhiều nội dung cần được hướng dẫn cụ thể hơn.
Ông Bá Sơn cho biết, luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ năm 2017 còn nhiều tội danh mới, có tội danh được tách ra từ những tội danh chung của luật cũ, cho nên cần thêm thời gian để các cơ quan chức năng nghiên cứu, hướng dẫn sát thực tiễn hơn.
Kết quả của việc điều tra, kết luận và xử lý vụ việc của ông Linh còn ở trước mắt, sẽ còn nhiều vấn đề thuộc về cơ sở lý luận về hình pháp học. Vì vậy dù khởi tố rồi, những việc tiếp theo không hẳn đã hết những khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ. “Nhưng hãy tin tưởng vào quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Rất có thể sau vụ này, ngành tố tụng sẽ tạo ra được một án lệ để việc giải quyết những trường hợp khác tương tự sau này nếu có xảy ra. Như vậy, sẽ thuận lợi hơn, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong việc đấu tranh với loại tội phạm này”, luật gia Nguyễn Bá Sơn nói.
Đáng chú ý, thời gian qua, vẫn có một số thông tin nhầm lẫn giữa ông Linh là thành viên của đoàn Luật sư TP Đà Nẵng và ông Linh là hội viên Hội Luật gia TP Đà Nẵng. Theo xác nhận của 2 đơn vị này, chính xác đến nay, ông Linh sinh hoạt ở đoàn Luật sư TP Đà Nẵng.
Trước đây, lúc đương chức Viện phó VKSND TP Đà Nẵng, ông Linh là hội viên chi Hội Luật gia VKSND TP Đà Nẵng trực thuộc Thành Hội Luật gia Đà Nẵng. “Ông Linh không phải là thành viên Hội Luật gia TP Đà Nẵng mà là thành viên của đoàn Luật sư TP Đà Nẵng. Ông ấy được kết nạp vào đoàn cách đây khoảng 3 tháng, khi tham gia hành nghề luật sư”, một thành viên Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng nêu.
Ông Trần Tuấn Lợi, Chánh văn phòng đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết, ông Linh là một trong những trường hợp có đủ điều kiện được đặc cách xin cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, mà không cần qua đào tạo. Khi có văn bản chính thức từ cơ quan điều tra, xác định rõ hành vi vi phạm của ông Linh, đoàn Luật sư TP Đà Nẵng sẽ căn cứ vào luật Luật sư để xem xét hình thức xử lý.
Trong khi đó, nói hình thức xử lý đối với một luật sư vi phạm, luật sư Lê Cao, đoàn Luật sư TP Đà Nẵng phân tích, hiện nay, việc một luật sư bị khởi tố để điều tra một tội danh nào đó, về nguyên tắc suy đoán vô tội, họ đang bị khởi tố để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm pháp, bị khởi tố; về địa vị pháp lý trong vụ án họ là nghi can. Và chỉ khi bị kết án, có bản án có hiệu lực mới bị xem có tội. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến hành nghề vẫn có những tiêu chuẩn cơ bản đối với các nghề nghiệp, mà theo đó, dù mới bị khởi tố bị can, nhưng cũng có thể bị xem xét các hình thức kỷ luật theo luật Luật sư và Điều lệ của liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Luật sư Lê Cao dẫn chứng, theo quy định của luật Luật sư, điều 40 Điều lệ liên đoàn Luật sư Việt Nam, trường hợp một luật sư mà đã có bản án bằng một bản án hình sự đã có hiệu lực, đương nhiên bị xóa tên khỏi đoàn luật sư, thu hồi thẻ luật sư.
Còn đối với trường hợp khác, dù chưa bị kết án nhưng tại điều 85 của Luật luật sư, khi luật sư vi phạm quy định của luật Luật sư, chẳng hạn không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất người luật sư theo Điều 10 của luật Luật sư, vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và các quy định khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm đình chỉ tư cách thành viên đoàn luật sư từ 6 tháng đến 24 tháng; Xóa tên khỏi danh sách luật sư của đoàn luật sư.
Theo luật sư Cao, vấn đề kỷ luật một luật sư bị khởi tố thuộc thẩm quyền của ban Chủ nhiệm đoàn luật sư theo đề nghị của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của đoàn. Trong trường hợp luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của đoàn, phải thông báo bằng văn bản với sở Tư pháp và đề nghị bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đề nghị liên đoàn Luật sư Việt Nam thu hồi thẻ luật sư.
“Quan điểm của chúng tôi, vấn đề xem xét kỷ luật đối với luật sư trong trường hợp như thế này thuộc về đánh giá, nhận định về tính chất, mức độ vi phạm của người luật sư liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn của một luật sư. Đây là trường hợp không phải đương nhiên bị thu hồi thẻ, mà do đánh giá nhận định của ban Chủ nhiệm đoàn luật sư và điều này cần sự tham mưu, đánh giá khách quan cũng như đầy trách nhiệm của Hội đồng khen thưởng kỷ luật của đoàn. Do đó, vấn đề kỷ luật hay chưa kỷ luật, nằm trong thẩm quyền của đoàn Luật sư TP Đà Nẵng xem xét, quyết định dựa trên các quy định của luật Luật sư, Điều lệ liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và các quy định nội bộ của đoàn Luật sư Việt Nam”, luật sư Cao nói.