Liên quan đến vụ án của bà Phương Hằng, về nguyên tắc bồi thường, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, phương thức và hình thức bồi thường.
Thông tin bà Nguyễn Phương Hằng yêu cầu các bị can Trần Văn Sỹ và Đặng Thị Hàn Ni bồi thường thiệt hại 300 đến 500 tỉ đồng vì đã có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại kinh tế Công ty cổ phần Đại Nam và gây mất uy tín Quỹ từ thiện Hằng Hữu để sung vào công quỹ Nhà nước đang được dư luận quan tâm. Theo thông tin từ báo Lao Động, bà> Nguyễn Phương Hằng cho rằng, do các đối tượng đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại kinh tế Công ty Cổ phần Đại Nam và gây mất uy tín Quỹ từ thiện Hằng Hữu rất nặng nề, nên bà Hằng yêu cầu bồi thường thiệt hại 300 tỉ đồng đến 500 tỉ đồng để sung vào công quỹ nhà nước.
Đến nay, ông Dũng và bà Hằng chưa cung cấp các tài liệu chứng minh thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
Dẫn tin từ Dân Trí, luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm tới tính mạng, >sức khỏe, danh dự, nhân phẩm… người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trách nhiệm bồi thường được miễn trừ trong trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng, hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hoặc các bên có thỏa thuận khác.
Về nguyên tắc bồi thường, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, phương thức và hình thức bồi thường.
Đối chiếu với trường hợp này, ông Tuấn cho rằng nếu >bà Phương Hằng và chồng là ông >Huỳnh Uy Dũng cho rằng cá nhân và các tổ chức dưới quyền mình quản lý có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm bởi hành vi vi phạm pháp luật của bà Hàn Ni cũng như ông Sỹ, họ hoàn toàn có quyền yêu cầu 2 bị can bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, bà Hằng có nghĩa vụ chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của những người đó với thiệt hại thực tế đã xảy ra với cá nhân, Công ty Đại Nam và quỹ từ thiện Hằng Hữu để khẳng định yêu cầu của mình là có cơ sở.
Đối với những thiệt hại về vật chất, luật sư trích dẫn Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 và cho biết thiệt hại này sẽ bao gồm các khoản như thiệt hại do tài sản bị mất, hủy hoại, hư hỏng; do lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, giảm sút; các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại…
Đối với những thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, mức bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm các khoản như chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút hay các thiệt hại khác do luật quy định.
Trong đó, chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại sẽ bao gồm các chi phí như thu hồi, xóa bỏ vật phẩm, ấn phẩm, dữ liệu có nội dung vi phạm pháp luật; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh; tiền đi lại, ngủ nghỉ theo giá địa phương hay chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại địa phương…
Còn với thu nhập thực tế bị giảm sút, con số thiệt hại sẽ được xác định bằng mức chênh lệch của người bị thiệt hại ở thời điểm trước và sau khi xuất hiện những thông tin nhằm xúc phạm tới uy tín, danh dự, nhân phẩm người đó.
Ngoài ra, người có lỗi còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tức 18 triệu đồng.
"Như vậy có thể thấy, ngoài con số cố định 18 triệu đồng có thể được bồi thường theo quy định, bà Hằng cần cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh con số 300-500 tỷ đồng mà mình đưa ra là có cơ sở. Số tiền bồi thường phải căn cứ vào mức độ thiệt hại dựa vào hành vi trên thực tế của bà Ni, ông Sỹ mà bà Hằng chứng minh được", luật sư Tuấn bình luận.