Dù Trung ương lập hẳn Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chóng Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vất vả có các cuộc họp chỉ đạo hàng ngày tới các cơ quan đơn vị các biện pháp ngăn chặn, đặc biệt liên tục có các chỉ đạo đối với việc người đi từ nước ngoài về Việt Nam cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhưng thực tế vừa qua do "lơ là" tại Cảng hàng không Nội Bài vẫn để lọt hành khách bị nhiễm virus corona từ Châu Âu nhập cảnh vào Việt Nam.
Chỉ đến khi vào lúc 22 giờ đêm 06/3/2020 dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch >Covid-19 thành phố Hà Nội họp khẩn thông tin về tình hình diễn biến của sự việc, công bố trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Hà Nội, là ca nhiễm thứ 17 của Việt Nam thì chúng ta mới bàng hoàng, đặt câu hỏi với một bộ máy chỉ đạo từ Trung ương chỉ đạo phòng chống dịch ngày đêm như vậy, chỉ một chút lơ là của cơ sở nên đã để bệnh nhân N.H.N "lọt" qua vòng kiểm dịch sân bay dễ dàng như vậy sao?. Như vậy còn bao nhiêu trường hợp đã lọt như vậy? Nếu như đêm hôm đó Bộ Y tế và Hà Nội không họp khẩn cấp công bố công khai chi tiết dịch tễ và có biện pháp kịp thời ngay trong đêm thì mọi chuyện sẽ còn đi đến đâu?
Dư luận càng phẫn nộ hơn khi nhân dân chuẩn bị đón tin vui Việt Nam chỉ vài ngày nữa là đủ điều kiện công bố hết dịch.
Đến ngày hôm nay Ban Chỉ đạo Trung ương về Covid-19 đã yêu cầu bắt buộc công dân phải khai báo y tế như vậy sẽ tốt hơn để nhân dân biết để ngăn chặn bệnh lây lan ra cộng đồng lớn hơn.
Nhìn vào sự việc bệnh nhân thứ 17, theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, trường hợp thứ 17 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là một cô gái tên là N.H.N. Bệnh nhân này đã từ Hà Nội bay đi London (Anh) vào ngày 16/2. Tại thủ đô nước Anh, cô ở nhà chị gái.
Sau đó, hai chị em đến Milan (Ý) để du lịch bằng máy bay. Tại đây, N. tham quan, du lịch, mua sắm trong thành phố. Chiều 20/2, N. quay trở lại London và ở đây từ ngày 20 đến 25/2. Sau đó, cô lên tàu cao tốc từ London đến quận 8 của Paris, Pháp.
Sau đó, cô gái này đi tàu cao tốc trở lại London, và từ London lên máy bay ngày 1/3 về Việt Nam, về tới sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng 2/3.
Thời điểm N.H.N trở về Hà Nội chỉ sau 3 ngày kể từ khi Việt Nam áp dụng hình thức bắt buộc đối với những người đến hoặc đi qua quốc gia Ý. Thế nhưng, nhìn lịch trình của N.H.N có thể thấy rằng, cô gái này có thể đi từ Ý về Việt Nam mà không hề gặp một khó khăn gì.
Trước hết, phải nói rằng, ý thức về việc khai báo y tế đã bị cô gái N.H.N “bỏ quên” sau khi đã đi vào một quốc gia đang là “ổ” dịch tại châu Âu.
Tuy nhiên, vấn đề ý thức khai báo y tế là một chuyện, nhưng dư luận cũng đặt ra câu hỏi, vì sao N.H.N lại có thể dễ dàng vượt qua được “hàng rào” kiểm soát dịch bệnh được đánh giá là rất chặt chẽ của Cảng hàng không Nội Bài?
Được biết, tại sân bay Nội Bài, các nhân viên y tế sẽ lấy số điện thoại liên hệ và xác thực nơi cư trú, kiểm tra giấy tờ cá nhân, hộ chiếu để chống khai báo gian lận.
Hành khách được phát tờ khai >sức khỏe trước khi máy bay hạ cánh. Tại các trạm kiểm dịch có nhân viên và phiên dịch viên hướng dẫn người nhập cảnh khai báo đúng và trung thực về tiền sử di chuyển ở nước ngoài, nơi cư trú tại Việt Nam.
Mỗi người nhập cảnh phải khai báo y tế tối thiểu 2 lần tại sân bay và ở nơi cách ly tập trung. Người nhập cảnh từng đi qua hoặc đến từ các quốc gia đang có dịch Covid-19 đều phải cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung.
Theo đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, tại các sân bay luôn có chốt đo thân nhiệt của toàn bộ hành khách nhập cảnh cũng như có sự phân loại hành khách theo điểm đến với sự phối hợp của Bộ Công an.
Với hàng loạt các bước kiểm tra chặt chẽ như vậy trước khi du khách muốn nhập cảnh vào Việt Nam, việc cô gái N.H.N vẫn có thể trở về một cách an toàn như vậy đã chứng tỏ, đang có một “lỗ hổng” về tại cảng hàng không Nội Bài.
Một vấn đề khác nữa cũng được dư luận rất quan tâm đó là, liệu cô gái N.H.N có sử dụng hộ chiếu Việt Nam khi di chuyển giữa Anh và Ý hay không.
Bởi, nếu dùng hộ chiếu Việt Nam thì tất nhiên hộ chiếu của cô N. sẽ có đóng dấu nhập cảnh Ý và dấu nhập cảnh trở lại Anh.
Nếu đúng như vậy thì bộ phận xuất nhập cảnh tại Việt Nam đã thiếu kiểm tra khi cô gái về lại Việt Nam vào ngày 2/3, sau khi Bộ Y tế đã có công văn kiểm soát người nhập cảnh từ Ý.
Rõ ràng một điều, công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 “ngoại xâm” của chúng ta đang có một “lỗ hổng” đáng lo ngại. Dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng xuất hiện tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trên thực tế, tại Việt Nam số ca bệnh cũng đã tăng lên 14 trường hợp chỉ sau khoảng 3 ngày gần đây.
Không ai có thể dám chắc rằng, trong những ngày sắp tới liệu có thêm một trường hợp tương tự như cô gái N.H.N ở Việt Nam. Bởi, nếu chỉ trông chờ vào sự trung thực của những người muốn nhập cảnh vào Việt Nam thôi liệu đã đủ để chúng ta có thể ngăn chặn tối đa dịch bệnh?
Thiết nghĩ, ngay từ lúc này, Ban Chỉ đạo Trung ương về Covid-19 cần có các biện pháp mạnh yêu cầu làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc bỏ lọt kiểm dịch đối với bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19, đề nghị các cơ quan chức năng cần rút ra một bài học kinh nghiệm sâu sắc từ trường hợp nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam. Qua đó, đưa ra các giải pháp thiết thực để thắt chặt hơn nữa “hàng rào” kiểm soát dịch bệnh tại các “cửa ngõ” giao thông của đất nước.