Sáng nay, ngày 12/11 tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ về hiện tượng ‘cô đồng’ mê tín trên mạng xã hội.

Diệu Ánh (t/h) 16:15 12/11/2024

Theo ZNews, trong phiên chất vấn sáng 12/11, đại biểu Châu Quỳnh Dao, từ Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đặt câu hỏi về thực trạng lan truyền các nội dung mê tín dị đoan trên mạng xã hội và biện pháp quản lý chúng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hình thức này cần sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền, ở đây là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, xác định đây có phải mê tín dị đoan hay không. “Sau khi xác định hành vi mà cần lấy danh tính hoặc ngăn chặn phát tán, Bộ TT&TT có thể làm rất nhanh với quy chế, công cụ có sẵn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, ngoài biện pháp kiểm duyệt thủ công, cơ quan chức năng hiện có phối hợp với doanh nghiệp trong nước, phát triển công cụ phát hiện tự động. Phần mềm dựa trên dữ liệu hình ảnh có thể nhận diện hành vi đáng ngờ, chuyển sang cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xử lý.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên chất vấn sáng 12/11 (Ảnh: Quốc hội)

Song song đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với những nền tảng xuyên biên giới để xử lý nội dung xấu, độc. “Khi xác định được tiêu chí rõ ràng của nội dung mê tín dị đoan, chúng tôi làm việc với các mạng xã hội, yêu cầu họ phải tự phát triển công cụ rà quét và hạ xuống”, Bộ trưởng TT&TT trả lời chất vấn.

Trước đó, quy trình xử lý xuất phát từ cơ quan chức năng, khi xác minh được vi phạm phải gửi yêu cầu gỡ bài đến nền tảng. Tuy nhiên hiện tại, các mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam, dù là nền tảng xuyên biên giới, phải tự thực hiện điều này.

Theo ông Hùng: “Các mạng xã hội thu được rất nhiều lợi nhuận, phải có trách nhiệm làm sạch không gian số”.

Bộ TT&TT đã tăng cường giám sát tình trạng quảng cáo trên không gian mạng, phối hợp với các bộ liên quan như Công Thương, Y tế, đẩy mạnh biện pháp kỹ thuật để rà quét quảng cáo vi phạm pháp luật, nhất là mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok. Cơ quan quản lý đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Đối với tranh luận của đại biểu Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thực trạng hình ảnh phản cảm trên các mạng xã hội, Bộ trưởng cho biết, hiện đã công cụ giám sát và quyền lực đối với các nền tảng xuyên biên giới để ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật.

Hiện tượng 'cô đồng bổ cau' trên mạng xã hội (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, định nghĩa thế nào là nhạy cảm cũng khó khăn. Do vậy, các cơ quan liên quan, bộ, ngành phải định nghĩa trong ngành của mình như thế nào là nhạy cảm, vì mỗi ngành, mỗi nghề có mức độ nhạy cảm riêng, không chỉ riêng ngành văn hóa. Do vậy, cần có bộ tiêu chuẩn chính xác, chi tiết để hỗ trợ làm việc, yêu cầu các nền tảng xử lý.

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, cũng ở phiên chất vấn  này Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói về hạn chế và phát sinh của ngành thông tin, truyền thông. Ông Hùng cho biết, "Thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực quản lý của ngành thông tin, truyền thông. Chúng tôi coi những tồn tại, hạn chế là động lực phát triển ngành. Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ, vừa thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, của toàn hệ thống chính trị chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cách mạng chuyển đổi số, đưa đất nước, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Diệu Ánh (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe