Thiếu tiền tới mức phải gõ cửa dịch vụ cho vay nặng lãi (tín dụng đen), nhưng gần như ngay lập tức, “con nợ” lại rơi vào… vòng xoáy túng thiếu mới. Bởi với mức lãi suất cao, muốn trả đúng thỏa thuận thì “con nợ” phải kiếm được số tiền hàng ngày ngang ngửa với… người thu nhập khá trong xã hội.

06:34 21/08/2018

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, vào hôm 8-8 vừa qua, tại phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xảy ra một vụ đòi nợ căng thẳng. Nguyên nhân xuất phát từ việc chị N.T (SN 1967, trú tại quận Hoàn Kiếm) vay tiền của nhóm đối tượng Nguyễn Mạnh Dũng (SN 1973) và Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1971, cùng trú tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm).

Sau khi vay tiền, chị T. không có khả năng trả nợ như thỏa thuận, nên đã bị Dũng và Hùng gây sức ép, và cao điểm là khi Dũng rút chiếc dép đang đi để đánh vào mặt chị T. Đúng lúc đó, tổ cảnh sát hình sự của Công an phường Phố Huế đi tuần tra phát hiện sự việc, nên đã khống chế Dũng, đưa về trụ sở làm rõ.

Chị T. kể về nỗi khổ sở khi phải trốn nợ, vì không đáp ứng được lịch trả tiền như thỏa thuận

Trong sự việc trên, đối tượng Dũng có hành vi hành hung người khác đã bị bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách sâu xa, thì mâu thuẫn giữa người cho vay lãi suất cao với “con nợ” vẫn chưa thể giải quyết được, một khi còn tồn tại cả cầu và cung liên quan tới những khoản tiền nặng lãi.

Theo tìm hiểu của PV, bị hại T. đã vay tiền của nhóm Hùng – Dũng từ tháng 8-2017. Chỉ cần thông qua lời giới thiệu của người quen, và cung cấp các bản sao chứng minh thư nhân dân cùng sổ hộ khẩu, chị T. đã được cho vay tiền, bất chấp hoàn cảnh kinh tế và khả năng trả nợ như thế nào.

Mặc dù số tiền cho vay không lớn (khoảng 15-20 triệu đồng trở xuống), nhưng vì thủ tục rất đơn giản, nên nguồn >vay tín dụng đen dạng này luôn hấp dẫn được những “con nợ” khát tiền.

Trường hợp vay tiền của chị T. khá đặc trưng: Vay 15 triệu đồng của dịch vụ tín dụng đen, tiền lãi là 3 triệu đồng, bị cắt ngay từ khi nhận tiền. Tức là thực nhận của “con nợ” chỉ là 12 triệu đồng. Sau đó, theo thỏa thuận 2 bên, bên vay tiền sẽ phải trả đều đặn 300.000 đồng/ngày trong liên tục 50 ngày cho bên chủ nợ.

Vì mâu thuẫn trong quá trình cho vay tiền, đối tượng Dũng đã hành hung 'con nợ', dẫn tới hệ quả vướng vào vòng lao lý

Nếu làm phép tính nhanh, sẽ thấy ngay rằng: Với một nhân viên văn phòng bình thường, có mức lương 6-8 triệu đồng/tháng, thì sẽ phải… nhịn ăn, nhịn mặc suốt tháng mà vẫn không đủ để trả nợ. Muốn trả được mức nợ theo thỏa thuận trên, “con nợ” phải có mức thu nhập tối thiểu 12 triệu đồng/tháng (trung bình 400.000 đồng/ngày), để sau khi trả nợ 300.000 đồng/ngày thì “con nợ” vẫn còn một khoản cơ bản phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho bản thân và gia đình. Số tiền 12 triệu đồng/tháng đó tương đương mức của người thu nhập khá trong xã hội hiện nay.

Tuy nhiên, những “con nợ” như trường hợp của chị T. thường khó đáp ứng được mức thu nhập như vậy, khi bản thân người phụ nữ này là lao động tự do (bán hàng ăn ngoài chợ), hoặc kể cả trường hợp có thu nhập thường xuyên thì cũng phải chờ hết tháng mới có tiền lương.

Điều đó dẫn tới kịch bản khó tránh khỏi là “con nợ” không có khả năng chi trả chỉ sau một thời gian ngắn đáp ứng thỏa thuận, dẫn tới việc… trốn nợ.

“Tôi đã phải lánh khỏi nhà, nghỉ bán hàng vì bị nhóm đòi nợ siết, gây sức ép. Càng như thế, tôi lại càng không có tiền, không biết phải làm sao”, chị T. chia sẻ.

Sau đó, người phụ nữ trên xin dãn nợ với mức trả 2 triệu đồng/tháng (chưa tới 70.000 đồng/ngày) để đi bán hàng và trả nợ, song điều này khó được những kẻ cho vay nặng lãi chấp nhận, từ đó dẫn tới mâu thuẫn và sự việc hành hung như đã đề cập.

Rõ ràng cho vay nặng lãi, hành hung “con nợ”… là những hành vi vi phạm pháp luật của các chủ nợ, và những người này vẫn đang bị xử lý nghiêm khắc. Song bên cạnh đó, cơ chế cho vay đơn giản, ít ràng buộc, cùng việc các “con nợ” tự nguyện chấp nhận vay tiền với lãi suất cao cũng là những yếu tố khiến tình hình hoạt động tín dụng đen trở nên phức tạp, dẫn tới nhiều hệ lụy xấu khó lường.

Bởi vậy, muốn ngăn chặn tín dụng đen, ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng, cũng cần có sự nhận thức của người dân, để không ai còn nhắm mắt “vay liều”, rồi tự biến mình thành “con nợ” khó lòng trả nổi.

Theo Trung Hiếu/An ninh thủ đô