Nhiều người đã tràn vào các nền tảng, website, Fanpage, trang thông tin Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam để tấn công sau nghi vấn đánh ghen.

Tiểu Ngọc (t/h) 11:21 03/11/2023

Luật sư lên tiếng 

Theo Phụ nữ Mới, vài ngày gần đây, cư dân mạng chia sẻ rầm rộ đoạn clip nam diễn viên thuộc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam bị một người phụ nữ >đánh ghen. Được biết người phụ nữ là T.D, vợ nam diễn viên. Anh bị vợ tố ngoại tình với đồng nghiệp làm cùng nhà hát, tên T.L.

Cũng theo Báo Phụ nữ Thủ đô, khi biết chuyện, chị D. đã vô cùng tức giận, nửa đêm đi tìm chồng và đòi chồng đưa người phụ nữ nghi là tình nhân ra đối chất.

Hình ảnh được cắt từ clip. Ảnh: Dân Trí

Không những vậy, ngày 30/10, chị D. còn đăng cả clip đi "đánh ghen" hôm 27/10 lên trang Facebook cá nhân và viết: "2 cái tát cho 10 năm bị lừa dối...".

Status này nhanh chóng thu về "bão" tương tác từ cộng đồng mạng với lượt chia sẻ chóng mặt. Chị T.D hiện tại đã hạn chế bình luận. Dù vậy, dưới status là hàng loạt comment động viên của bạn bè, người quen.

Liên lạc với bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam về vụ việc ồn ào liên quan tới hai diễn viên của nhà hát đang lan truyền trên mạng xã hội, bà Quỳnh Trang cho biết, hiện tại Nhà hát đã tạm thời cho hai diễn viên tên T và L nghỉ việc để giải quyết ổn thỏa chuyện cá nhân.

Cũng theo Báo Dân Trí, trước "làn sóng" phẫn nộ của cư dân mạng, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã tạm thời đóng Fanpage. Nhà hát cũng "hứng chịu" hàng loạt đánh giá một sao kèm những chỉ trích từ người dùng mạng.

Người dùng mạng tấn công Fanpage của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Ảnh: Dân Trí

 

Theo luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ trên Báo Dân Trí, trên thực tế người dùng thường phản ánh, đánh giá chất lượng dịch vụ dựa trên trải nghiệm để các tổ chức, doanh nghiệp thay đổi hoặc điều chỉnh phù hợp.

Tuy nhiên, lợi dụng điều này, nhiều người đã đánh giá vô tội vạ, dùng lời lẽ tiêu cực, quá khích khiến một vài tổ chức bị ảnh hưởng hoặc thậm chí liên lụy cả những tổ chức, cá nhân không liên quan.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết việc tấn công Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam trên các nền tảng, website, Fanpage, trang thông tin... là hành vi vi phạm pháp luật.

"Hậu quả nghiêm trọng mà "tâm lý đám đông" và "công lý đám đông" trên mạng xã hội đã xâm phạm danh dự và nhân phẩm của người khác. Từ đó tạo ra "văn hóa" dễ dàng phán xét người khác", ông Tiền nói. 

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo. Ảnh: Kinh tế đô thị

Nếu Nhà hát có căn cứ xác định và chứng minh những thiệt hại vạ lây về danh dự, uy tín từ hành động quá khích của cộng đồng mạng, thì có thể đòi bồi thường.

Mức bồi thường cũng như hình thức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận, gồm các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút kèm theo một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần theo quy định tại Điều 584 và Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Cũng theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo chia sẻ trên Báo Kinh tế đô thị, theo quy định tại Điều 34 Bộ Luật Dân sự 2015: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”

Theo quy định trên, cá nhân được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình và người thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân khác chính là thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của khác tùy từng mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Xử phạt hành chính

Theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử:

"Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Như vậy, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội Facebook có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, bị buộc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Xử lý hình sự

Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

“Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.”

Theo quy định pháp luật, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt từ từ 2 năm đến 7 năm tù.

 

Tiểu Ngọc (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe