Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, Báo cáo Thực trạng Dân số Thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm. Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các chuẩn mực xã hội, phổ biến việc trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái.
Trong buổi lễ công bố Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 ngày 17/7, theo nhận định, bình đẳng giới tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong thập kỉ qua. Tuy nhiên, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội. Đây được xác định là nguyên nhân chính gây nên sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh.
Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số này gia tăng nhanh chóng.
Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số "tự nhiên" là 105 bé trai trên 100 bé gái. Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, Báo cáo Thực trạng Dân số Thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Việt Nam luôn coi bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững.
"Chúng tôi đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện ngày càng tốt hơn lĩnh vực công tác cũng còn đang mới mẻ này. Tuy vậy, những quan niệm bất bình đẳng giới vẫn còn nhiều. Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các chuẩn mực xã hội phổ biến việc trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái. Việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 mà chúng tôi đang xây dựng", ông Tiến phát biểu.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi chấm dứt tình trạng trọng nam khinh nữ để thúc đẩy bình đẳng giới.
"Việt Nam đang đạt được tiến bộ, nhưng những tiến bộ ấy cần được đẩy mạnh nhanh hơn nữa trong thập kỷ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Để triển khai nhiệm vụ này, nam giới cần đóng vai trò đặc biệt. Tôi kêu gọi nam giới tại Việt Nam hãy nâng cao giá trị của trẻ em gái và yêu cầu đối xử bình đẳng, quyền bình đẳng cho trẻ em gái. Chúng tôi đặc biệt cần nam giới và trẻ em trai góp sức thực hiện nỗ lực này", bà Naomi Kitahara nói.