Mới đây nhất hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Tiểu ban phụ nữ trong kinh doanh đề xuất sửa quy định nghỉ thai sản của nam giới tối thiểu 30 ngày, thay vì từ 5-14 ngày như hiện nay.
Cụ thể theo thông tin từ báo Dân Chí cho biết có rất nhiều ý kiến cho rằng nên tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nam có vợ sinh con. Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, quá trình đánh giá khả năng cân đối quỹ ốm đau thai sản cho thấy hiện mức thu và chi của quỹ là ngang nhau.
Đề xuất tăng thêm các quyền lợi, trong đó có việc lao động nam được nghỉ thai sản dài như lao động nữ, ông Cường phân tích, với một quỹ ngắn hạn như quỹ ốm đau, thai sản chắc chắn không đảm bảo khả năng cân đối.
"Hiện nay, quỹ ốm đau, thai sản, trách nhiệm đóng bảo hiểm hoàn toàn thuộc người sử dụng lao động. Liên quan đến quy định thêm trách nhiệm của người đóng trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn thời gian qua, việc tăng mức đóng với doanh nghiệp để đảm bảo tăng quyền lợi với người lao động sẽ không khả thi", ông Cường nhấn mạnh.
Hiện nay, dự thảo >Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi giữ quy định như hiện hành. Theo đó, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ 5 ngày làm việc. Khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi thì chồng được nghỉ 7 ngày làm việc.
Trường hợp vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con, người bố được nghỉ thêm ba ngày làm việc. Bên cạnh đó, trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày làm việc.
Ngoài ra, trường hợp vợ sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì người này được hưởng trợ cấp một lần bằng hai lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung >chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng.
Theo dự thảo, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con hoặc khi lao động nam đang đóng bảo hiểm mà có vợ sinh con.
Điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này là người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động sẽ nhận được >trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng/con sinh ra.
Về đề xuất này, ông Nguyễn Duy Cường cho hay, theo quy định luật hiện hành, hiện người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đang được hưởng hai chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất, tương đương tỷ lệ đóng là 22%. Mức đóng cụ thể ra sao do người lao động lựa chọn.
Liên quan đến việc không đưa chế độ ốm đau vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cho rằng, qua đánh giá, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là những người lao động khu vực phi chính thức, mức thu nhập không ổn định. Nếu thêm chế độ hưởng sẽ phải bổ sung trách nhiệm đóng, như vậy sẽ gây khó khăn cho người lao động khi tham gia vào chế độ bảo hiểm xã hội này.
"Trong dự thảo, chúng ta bổ sung thêm quyền lợi là chế độ thai sản cho người lao động nhưng không bổ sung thêm trách nhiệm đóng. Quyền lợi này sẽ do ngân sách nhà nước hỗ trợ làm gia tăng tính hấp dẫn của loại hình bảo hiểm này", ông Cường khẳng định.