Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 82/2020 (sẽ có hiệu lực từ 1/9) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực. Đặc biệt, hành vi "thách cưới" (yêu sách của cải trong kết hôn), có thể bị xử phạt đến 5 triệu đồng.
Theo phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam, trong lễ dạm ngõ/lễ ăn hỏi sẽ có một khoản tiền mà nhà trai phải mang qua nhà gái để làm lễ. Đây được gọi là tiền nạp tài, tiền dẫn cưới hay tiền thách cưới.
Cụ thể, gia đình nhà trai sẽ phải chuẩn bị các vật phẩm, tráp lễ đến nhà gái hỏi cưới dâu. Những sính lễ này sẽ tùy theo điều kiện của gia đình nhà trai mà nhiều, ít khác nhau. Đây cũng được xem như là tấm lòng thành mà nhà trai dành cho nhà gái.
Thế nhưng, không ít nơi vẫn duy trì tập tục thách cưới và các lễ vật thách cưới sẽ do nhà gái quy định. Để được đón dâu, nhà trai phải đáp ứng đầy đủ các lễ vật thách cưới này.
Tuy nhiên, ngày 15/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 110 năm 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo đó, đối với hành vi "cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn", Nghị định 82 quy định mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng.
Theo cách giải thích của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì: Yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ.
Có nghĩa là không phải cứ thách cưới sẽ bị phạt mà chỉ thách cưới quá đáng và nhằm mục đích cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam nữ thì mới bị xử phạt.
Trước đây Nghị định 110/2013/NĐ-CP không quy định phạt đối với hành vi này; Nghị định 167/2013 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng nếu cản trở người khác kết hôn bằng cách đưa ra yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.
Bên cạnh đó, theo Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, bổ trợ tư pháp cũng áp dụng mức phạt trên với một số hành vi khác như:
Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
Ngoài ra, người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng cũng bị phạt tới 5 triệu đồng.
Mức phạt tiền sẽ tăng tên, từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn.