Thay vì chỉ xử lý pháp nhân doanh nghiệp thì từ ngày 1-9, các cá nhân là chủ doanh nghiệp có hành vi trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động bắt đầu bị xử lý hình sự.

06:00 02/09/2019

Từ ngày 1-9, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15-8-2019 hướng dẫn áp dụng Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ) của Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao vừa ban hành chính thức có hiệu lực. Theo quy định này từ ngày 1-9, thay vì chỉ xử lý pháp nhân doanh nghiệp thì các cá nhân là chủ doanh nghiệp có các hành vi trốn đóng, gian lận BHXH, BHYT, BHTN của người lao động sẽ bị xử lý hình sự.

Xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài để đảm bảo quyền lợi của người lao động (Ảnh minh họa: K.An)

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh: tội gian lận BHXH, BHTN; tội gian lận BHYT; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Từ khi có hiệu lực, ngành BHXH đã phát hiện những sai phạm và chuyển sang cơ quan điều tra gần 100 hồ sơ, nhưng việc truy tố, xét xử, điều tra liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm cũng gặp khó khăn bởi nhiều quy định định tính, chung chung và có các cách hiểu khác nhau.

Theo đại diện TAND Tối cao, trước đây cần phải có uỷ quyền của người lao động tại doanh nghiệp thì công đoàn cơ sở mới khởi kiện chủ sử dụng lao động với hành vi trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN là cơ chế uỷ quyền khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, với Nghị quyết số 05 này, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động… gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm chứng cứ, tài liệu liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của BLHS.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP Hà Nội, cho biết số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn ngày càng tăng, các hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT cũng ngày càng phức tạp. Do đó, việc Nghị quyết 05 giúp thống nhất cách hiểu, quy trình, quy định thủ tục khởi tố… được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn và xử lý các hành vi phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, từ đó giúp kéo giảm tỉ lệ nợ đọng BHXH và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.

Tại TP HCM, mới đây cơ quan BHXH TPHCM đã chuyển hồ sơ 21 doanh nghiệp thu tiền BHXH của người lao động nhưng không nộp về BHXH cho Công an TPHCM đề nghị xử lý hình sự chủ doanh nghiệp.

Theo quy định tại điều 216 Bộ Luật Hình sự quy định, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, trốn đóng BHXH từ 1 tỉ đồng trở lên hoặc trốn đóng cho 200 người trở lên thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, hoặc bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Theo H.Anh/Người lao động