Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 4 người phụ nữ, cựu trụ trì giữ nguyên y án chung thân, không thay đổi tội danh như lúc sơ thẩm.

N.L (t/h) 09:29 30/11/2022

Theo thông tin từ Báo VietNamNet, sau một tuần nghị án kéo dài, chiều 29/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ >lừa đảo do bị cáo Phạm Văn Cung (40 tuổi, nguyên trụ trì chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, pháp danh là Thích Phước Ngọc) và Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) thực hiện.

Theo HĐXX, bị cáo Sĩ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không cung cấp được tình tiết mới để xem xét, nên HĐXX không có căn cứ chấp nhận.

Đối với kháng cáo của bị hại là bà Y. và kháng nghị của VKS đề nghị HĐXX hủy án; đưa 261 người đã nhận tiền của bị cáo Cung vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, HĐXX nhận thấy, bị cáo Cung chuyển tiền là để trả nợ và nhờ người trả nợ thay những khoản vay mượn, thanh toán dịch vụ pháp lý, mua vật tư sửa chùa... Vì vậy, việc chuyển tiền của bị cáo cho 261 người là giao dịch dân sự, những người này không biết số tiền bị cáo Cung chuyển do phạm tội mà có nên không có căn cứ thu hồi, trả cho bị hại.

Bị cáo Phạm Văn Cung tại phiên sơ thẩm. Ảnh: VietNamNet

Theo HĐXX, việc các luật sư của bị hại cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì các tài liệu, hồ sơ có trong vụ án không đủ căn cứ để xem xét.

Vì các lẽ trên, HĐXX quyết định bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Sĩ; bác kháng cáo của bị hại Y. và kháng nghị của VKS, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Báo Lao Động cũng đăng tin theo cáo trạng, Phạm Văn Cung là tu sĩ từ năm 2005 và tu tại chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long).

Đến năm 2008, Phạm Văn Cung được bổ nhiệm làm trụ trì của chùa. Cũng trong năm 2008, Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương (nuôi dạy trẻ mồ côi) được thành lập, đến năm 2012 đi vào hoạt động. Cung được giao làm giám đốc Trung tâm.

Trong thời gian làm trụ trì và giám đốc Trung tâm, Cung tổ chức nhiều chương trình, sự kiện để tạo uy tín. Cung làm các clip về hoạt động từ thiện đưa lên mạng xã hội, quảng bá hình ảnh nhằm tạo lòng tin cho nhiều người để có tiền chi xài cá nhân.

Cung lợi dụng danh nghĩa nhà chùa và Trung tâm liên hệ gặp nhiều người có điều kiện kinh tế, tự nêu lên hoàn cảnh điều kiện khó khăn trong việc nuôi dạy các cháu mồ côi để tìm kiếm sự cảm thông và trợ giúp.

Từ đó, Cung chủ động dựng lên các sự kiện không có thật để mượn tiền của nhiều người. Với những thủ đoạn trên, Cung vay tiền của nhiều người sử dụng vào mục đích cá nhân và sau đó chiếm đoạt của 4 người phụ nữ với số tiền gần 68 tỉ đồng.

Phiên sơ thẩm, Cung bị TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt chung thân, Nguyễn Tuấn Sĩ 3 năm tù.

Sau phiên sơ thẩm, VKSND Cấp cao tại TPHCM đã kháng nghị toàn bộ Bản án sơ thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Theo VKS, cấp sơ thẩm không tuyên buộc những người nhận số tiền do phạm tội mà có để thu hồi hoàn trả lại cho các bị hại là không đúng quy định.

Đồng thời, cấp sơ thẩm không đưa 261 người đã nhận hơn 75 tỉ đồng từ Cung tham gia tố tụng với tư cách là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bị cáo Sĩ cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

 

N.L (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe